Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Tin tức xin trân trọng giới thiệu bài viết "Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay", của PGS,TS. Trần Minh Trưởng - Viện trưởng viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Tin tức xin trân trọng giới thiệu bài viết "Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay", của PGS,TS. Trần Minh Trưởng - Viện trưởng viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, Người nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, để có cán bộ tốt, thì công tác cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Công tác cán bộ là một nhiệm vụ then chốt của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu: lựa chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng và chính sách cán bộ. Đó là các khâu liên hoàn, nếu làm không tốt bất cứ một khâu nào, đều ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ và thành quả cách mạng.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, khâu lựa chọn cán bộ là khâu đầu tiên và rất quan trọng. Đó là “khâu chọn giống” như là người làm vườn chọn giống cây, “nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt”.
Hồ Chí Minh chỉ dạy, việc lựa chọn cán bộ phải dựa theo các tiêu chí: “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng...Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo.
Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn; Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.”
Do đó, việc lựa chọn “cán bộ nguồn” cần phải được thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng, cán bộ được lựa chọn phải là hạt nhân trong các phong trào học tập, lao động sản xuất, lựa chọn theo tinh thần: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nghĩa là cần chú trọng về chất lượng hơn là số lượng.
Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương (6/2/1953). |
Thứ hai là khâu huấn luyện, đào tạo cán bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu phải coi “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; "...nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi con người có ích cho công việc chung của chúng ta"[3].
Huấn luyện cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp, theo phương châm làm việc gì học việc ấy. Huấn luyện phải thiết thực và chu đáo, nghĩa là phải nắm được nhu cầu để huấn luyện. Không được "hữu danh vô thực”, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực.
Hồ Chí Minh căn dặn, "Mở lớp nào cho ra lớp ấy. Lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận. Đừng mở lớp lung tung".
Thứ ba là việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Hồ Chí Minh yêu cầu khi đánh giá cán bộ phải thực sự khách quan, phải hiểu cán bộ. Ngoài việc đánh giá về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, việc đánh giá năng lực chuyên môn phải dựa trên kết quả công việc.
Theo Người, đây là công việc rất phức tạp, bởi vì: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hoá...Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hoá”.
Đánh giá cán bộ là việc rất hệ trọng, cho nên phải nghiên cứu kỹ, sâu sát cán bộ, cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo cấp trên phải có cái nhìn toàn diện, bao quát, tổng thể về quá trình rèn luyện, phấn đấu của từng cán bộ.
Hồ Chí Minh căn dặn: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ. ..
Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt. Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ”. Như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “Đừng thấy đỏ mà tưởng chín”
Thứ tư là việc bố trí, sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh chỉ dẫn phải bố trí “người nào việc nấy”, “dụng nhân như dụng mộc”; “Phải có gan cất nhắc cán bộ một cách cho đúng”; “Phải khéo dùng cán bộ”.
Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm dùng cán bộ: “Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”.
Việc sử dụng, bố trí cán bộ phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, giữa cán bộ trẻ, cán bộ mới với cán bộ lâu năm; phải chú ý tạo nguồn cán bộ kế cận, phải bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho đời sau, tránh việc sử dụng cán bộ “như vắt chanh, bỏ vỏ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tấm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. |
Sử dụng cán bộ là mắt khâu có ý nghĩa quyết định đến sinh mạng chính trị của cán bộ và hiệu quả công việc, chính vì vậy cần thận trọng, nếu chủ quan sẽ rất dễ mắc sai lầm.
Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra những sai lầm mà Người gọi là “những chứng bệnh”, trong đó phổ biến là căn bệnh biệt phái, cục bộ, địa phương, hẹp hòi: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng.
Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”. Thiết tưởng những lời dạy của Người như vừa mới hôm qua.
Thứ năm là về chính sách cán bộ, Hồ Chí Minh căn dặn, để làm tốt chính sách cán bộ, phải yêu thương cán bộ: “Nhưng yêu thương không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc.
Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn...Thương yêu là luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay...làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”.
Hiện nay, công tác cán bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ở các cơ quan tham mưu soạn thảo, ban hành hệ thống quy chế, quy định, văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ khá đầy đủ và khoa học.
Đội ngũ cán bộ được lựa chọn, quy hoạch một cách bài bản từ địa phương đến Trung ương; được trẻ hóa và được cơ cấu theo chủ trương dân chủ hóa và bình đẳng, hài hòa giữa các dân tộc, vùng miền; thành phần, trình độ cán bộ được nâng cao; cơ cấu giới tính: nam nữ, độ tuổi..vv.
Hệ thống trường lớp đào tạo cán bộ trong hệ thống chính trị được đầu tư mạnh mẽ. Tuy nhiên, chất lượng cán bộ vẫn còn chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên nhân trước hết là do công tác cán bộ còn hạn chế, bất cập, cụ thể: khâu lựa chọn cán bộ có nhiều trường hợp chưa đúng, chưa sát đối tượng. Cho nên trong thời gian qua đã xảy ra không ít trường hợp “cả nhà làm quan, cả họ làm quan”.
Việc bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ: Thực hiện đúng quy trình nhưng sai đối tượng; nhiều trường hợp bố trí “tài không xứng chức”. Tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thể hiện trong việc “chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển”; Khâu đào tạo bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu.
Nội dung chương trình đào tạo còn bất cập, không phù hợp, chưa sát thực tiễn; phương pháp đào tạo lạc hậu, nặng về lý thuyết, thiếu cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo thực tiễn. Khâu đánh giá cán bộ: còn có nhiều sai phạm; công tác xử lý sai phạm, kỷ luật cán bộ còn “chưa đến nơi”, có trường hợp cán bộ mắc khuyết điểm ở nơi này, lại được điều chuyển sang nơi khác giữ cương vị cao hơn.
Vấn đề đánh giá cán bộ qua các tiêu chí (bảng tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ), qua bằng cấp chứng chỉ phần nào bị lạm dụng, dẫn đến vấn nạn mua, bán “văn bằng, chứng chỉ giả”, làm cho một bộ phận cán bộ yếu kém, thiếu năng lực, không đảm đương được công việc, suy thoái về đạo đức lối sống...vv.
Chính sách cán bộ dù đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ chưa thật chuẩn, chưa thật sát; chưa thu hút được cán bộ có năng lực thật sự là những “người hiền tài” tham gia vào hệ thống chính trị; hiện tượng chảy máu chất xám vẫn diễn ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV, tháng 12/1966). |
Trong công tác đào tạo cán bộ, mặc dù thời gian qua, Đảng đã chỉ đạo đưa cán bộ đi luân chuyển, nhưng thời gian đi luân chuyển còn ngắn (từ 2-3 năm), cho nên nhiều trường hợp cán bộ đi luân chuyển, “người đi nhưng tâm ở lại”, cố gắng “tròn vai” để có nhận xét tốt, chờ cho hết thời gian quay về được bổ nhiệm...vv.
Đề nghị kéo dài thời gian luân chuyển: 1 nhiệm kỳ đại hội (nếu đảm trách tốt nhiệm vụ). Việc đánh giá cán bộ phải dựa vào thành tích, kết quả công việc được giao đảm nhiệm, để có quyết định tiếp tục bồi dưỡng, đề bạt, hay tiếp tục giao vị trí lãnh đạo.
Về bằng cấp, chứng chỉ, một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, tuy nhiên, đề nghị các cấp lãnh đạo nghiên cứu, cán bộ phụ trách ngành nào, yêu cầu cần chứng chỉ văn bằng phù hợp để phục vụ chuyên môn và lãnh đạo, quản lý, không nhất thiết văn bằng, chứng chỉ nào cũng phải có, làm lãng phí thời giờ, tiền bạc đào tạo của cán bộ và của nhà nước.
Có thể nói, những luận điểm của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ được đề cập rất bao quát, toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc và hết sức quý báu đối với công tác cán bộ hiện nay.
Theo PGS,TS. Trần Minh Trưởng - Viện trưởng viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin