Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý báu cho ngoại giao Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý báu cho ngoại giao Việt Nam.
Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ ba tại trụ sở Bộ Ngoại giao (từ 16/12/1963 đến 16/1/1964). (Ảnh tư liệu) |
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980-19/5/2020), sáng 19/5, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề về “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.”
Tham dự buổi nói chuyện chuyên đề có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, cùng cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ Bộ Ngoại giao.
Báo cáo viên tại buổi nói chuyện là các ông: Nguyễn Dy Niên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Trần Trọng Toàn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi nói chuyện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý báu cho ngoại giao Việt Nam: đề cao độc lập tự chủ, coi trọng hào hiếu, nhân nghĩa, thủy chung đã tạo sức mạnh to lớn, đưa đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Di sản của Hồ Chủ tịch, là kim chỉ nam cho đường lối và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đưa sự nghiệp đối ngoại của Việt Nam ngày càng phát triển.”
Tại buổi nói chuyện, các báo cáo viên có bề dày về công tác ngoại giao và có nhiều kỷ niệm về Bác Hồ với ngoại giao, đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người dành cho ngành Ngoại giao Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, nhà chiến lược lỗi lạc mà còn là nhà ngoại giao kiệt xuất, Người là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Với mục tiêu đối ngoại nhân văn, phương châm đối ngoại đậm nét văn hóa phương Đông và phương Tây, Người chủ trương thiết lập quan hệ với các dân tộc trên thế giới và trực tiếp soạn thảo đường lối, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các hoạt động đối ngoại, để lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tài sản quý báu về mục tiêu, đường lối phương pháp và chính sách ngoại giao.
Nhân cách văn hóa, cách ứng xử của Người trong các môi trường quốc tế, trong các thời điểm lịch sử cam go, hết sức đa dạng, tinh tế đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
Các đại biểu tham dự buổi nói chuyện đã chăm chú lắng nghe, coi đây là hoạt động thiết thực tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước, nhân dân Việt Nam nói chung và ngành ngoại giao nói riêng.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng nhằm giúp cán bộ, đảng viên của Đản bộ Bộ Ngoại giao nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về công lao và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và với ngành Ngoại giao nói riêng, góp phần thực hiện có hiệu quả việc hoạc tập làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác, nhất là trong năm 2020 kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2020)./.
Theo Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin