Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long luôn ghi khắc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem đó như một hiệu lệnh để quyết tâm thực hiện, đặc biệt là mong muốn của Bác: "Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân".
Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long luôn ghi khắc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem đó như một hiệu lệnh để quyết tâm thực hiện, đặc biệt là mong muốn của Bác: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. 50 năm qua, Vĩnh Long đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là công tác chăm lo cho người nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống y tế được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. |
Chăm lo tốt cho người nghèo
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, 50 năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai kịp thời các chính sách để hỗ trợ cho người nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Trong từng giai đoạn cụ thể, Vĩnh Long đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng chăm lo cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, dạy nghề, sinh kế làm ăn, nhà ở cùng các dịch vụ xã hội cơ bản về thông tin, y tế, giáo dục, nước sạch… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trước kia, gia đình chị Na Vuy (ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình- TX Bình Minh) quanh năm nghèo khó. Chị kể: “Nhà chỉ có một công đất, vợ chồng làm thuê quanh năm nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.
Từ khi Nhà nước hỗ trợ bò giống và căn nhà, có thêm động lực làm ăn, cuộc sống gia đình bắt đầu thay đổi, đã thoát được nghèo và đang vươn lên”.
Qua 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, Vĩnh Long đã có sự phát triển ổn định, đời sống nhân dân sung túc, diện mạo nông thôn ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp. |
Đây là một trong số rất nhiều gia đình được tỉnh hỗ trợ thời gian qua. Trong 10 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trực tiếp đầu tư cho gần 72.000 hộ nghèo, giúp hơn 23.700 hộ thoát nghèo.
Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 7.007 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, nhà ở cho hộ nghèo Khmer…
Tổng giá trị huy động, vận động hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên 1.112 tỷ đồng, qua đó giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,13% năm 1998 xuống còn 2,63% vào cuối năm 2018.
Công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện, đến nay Vĩnh Long còn 2,63% hộ nghèo. |
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, đa số người nghèo có ít đất hoặc không có đất sản xuất, việc làm không ổn định, do vậy nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì khả năng vươn lên thoát nghèo là rất thấp. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo được xem là “đòn bẩy” để hộ nghèo vươn lên.
Tới đây, để cho công tác giảm nghèo hiệu quả- theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng ở những vùng còn khó khăn kèm với các chính sách miễn giảm học phí, vay vốn, trợ giúp pháp lý, tiếp cận thông tin, sinh kế làm ăn… vẫn là những giải pháp hữu hiệu.
Song song đó, cần tuyên truyền để hộ nghèo nâng cao nhận thức, chí thú làm ăn tự lực vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nông thôn đổi mới
“Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”- thực hiện di nguyện của Bác, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để nâng cao đời sống nhân dân.
Đời sống tinh thần của người dân ngày được cải thiện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, hưởng thụ văn hóa. |
Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, điểm xuất phát của tỉnh Vĩnh Long khá thấp, bình quân các xã mới đạt 3,1/19 tiêu chí nông thôn mới.
Nhưng với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, BCĐ các cấp đã linh hoạt và sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện, trong đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khơi dậy, huy động được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân để đồng hành cùng chính quyền.
Trong giai đoạn 2011- 2019, tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt trên 7.128 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn khác là 1.316 tỷ đồng.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long rút ra sau 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh là luôn lấy dân làm gốc, tin dân, dựa vào dân, gắn bó máu thịt với nhân dân để thực hiện các phong trào cách mạng. Và trong điều kiện của một tỉnh thuần nông, kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn nhưng việc chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… của tỉnh Vĩnh Long đạt được thành quả như trên là rất đáng tự hào. |
Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT: Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Long đã về đích trước 2 năm với 45/89 xã được công nhận nông thôn mới và TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thành quả này giúp cho nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cao.
Nhà nông Bùi Văn Triều (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) cũng nói như minh chứng: “Ngày xưa ở xứ cù lao này khó khăn trăm bề, đường sá lầy lội, đò giang cách trở, việc đi lại của người dân rất khó khăn. Giờ đây đường thông, điện sáng, việc đi lại, học hành, giao thương mua bán rất thuận lợi. Tất cả đã đổi thay”.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- lưu ý: Tới đây, các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo phải chú ý phát huy, khơi dậy sức mạnh nội lực trong Đảng, trong dân; chủ động tham mưu đề xuất trong tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của địa phương, đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng thời đại. Bên cạnh, tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống cho nhân dân và xem đây là công việc quan trọng, thường xuyên, lâu dài và phải được thực hiện tốt trong mọi hoàn cảnh.
Có như vậy thì Đảng bộ Vĩnh Long mới có thể lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn, thách thức và vững bước tiến lên.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tính từ năm 1986 đến nay, Vĩnh Long đã có những bước chuyển quan trọng qua từng giai đoạn. Đời sống nhân dân được nâng lên, từ chỗ thiếu ăn, nay sản xuất bình quân hàng năm trên 1 triệu tấn lương thực và có để xuất khẩu, kinh tế tỉnh nhà đạt mức tăng trưởng khá, GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ dân khá giàu ngày càng tăng, hộ nghèo của tỉnh năm 2018 giảm còn 2,63% (theo tiêu chí đa chiều); cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển nhanh và đồng bộ từ thành thị đến nông thôn. |
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin