"Các đồng chí làm sử cần nghiên cứu tìm hiểu đồng chí Tạ Bửu- người có công lớn đối với tỉnh Vĩnh Long trong hoàn cảnh cách mạng gặp vô vàn khó khăn!" Đó là lời căn dặn nhiều lần của đồng chí Nguyễn Thành Thơ- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng- mỗi lần về quê góp ý lịch sử tỉnh nhà.
“Các đồng chí làm sử cần nghiên cứu tìm hiểu đồng chí Tạ Bửu- người có công lớn đối với tỉnh Vĩnh Long trong hoàn cảnh cách mạng gặp vô vàn khó khăn!” Đó là lời căn dặn nhiều lần của đồng chí Nguyễn Thành Thơ- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng- mỗi lần về quê góp ý lịch sử tỉnh nhà.
Đi tìm nhiều đường dây
Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long (23/11/1940), bọn thực dân Pháp và tay sai khủng bố trắng, chúng tổ chức càn quét căng tay ngoài đồng truy lùng, bắt bớ, bắn giết tù đày người yêu nước.
Các cấp ủy của tỉnh lớp bị bắt, lớp bị phân tán lẩn tránh nhiều nơi khác, nhiều chi bộ tan rã. Đồng chí Thái Văn Đẩu- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- bị địch bắt đánh chết trong tù. Cơ sở cách mạng gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Liên tỉnh ủy Hậu Giang tháng 6/1941, Liên tỉnh ủy Hậu Giang(1) tổ chức cuộc họp tại cánh đồng Mốp Giăng (Ba Thê thuộc huyện Châu Thành- Rạch Giá) do đồng chí Bùi Văn Dự làm Bí thư chủ trì đã cử đồng chí Tạ Bửu (tức Bé Bửu, Bé Con)- con nuôi của đồng chí Tạ Uyên- làm Bí Thư Tỉnh ủy Vĩnh Long thay đồng chí Thái Văn Đẩu hy sinh.
Tháng 9/1941, trong cuộc họp Liên tỉnh ủy Hậu Giang tại cống Cây Dương (Long Xuyên), đồng chí Tạ Bửu được bổ sung ủy viên Liên tỉnh ủy Hậu Giang tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Hội nghị rút kinh nghiệm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ còn non, tổn thất nhiều, cần rút kinh nghiệm và nghiên cứu chuyển hướng cách mạng sang phương thức đấu tranh mới để tránh bọn mật thám theo dõi bắt bớ.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Tạ Bửu chỉ đạo tập trung vạch trần tội ác của địch, nêu cao lòng yêu nước, tích cực vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, tổ chức rải truyền đơn tuyên truyền chủ trương của Đảng, tích cực bồi dưỡng phát triển đảng viên mới(2), liên hệ móc nối các đầu mối cơ sở bị gián đoạn.
Cuối năm 1942, tình hình cách mạng chuyển lên khá rõ nét so với đầu năm. Các địa phương Trà Côn, Vĩnh Xuân (Trà Ôn), Ba Chùa, Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) và huyện Vũng Liêm số đảng viên phát triển từ 12 chi bộ tăng 31 chi bộ, từ 70 đảng viên tăng 500 đảng viên, nắm quần chúng cũng tăng gấp 5 lần.
Tại cù lao Ông Chưởng (xã Mỹ Hội, Long Xuyên), Liên tỉnh ủy Hậu Giang họp đánh giá tình hình và đề ra nhiệm vụ mới để lãnh đạo phong trào.
Tình hình chuyển biến có chiều hướng thuận lợi. Đồng chí Tạ Bửu được đề bạt Phó Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang, tiếp tục làm Bí thư Vĩnh Long và phụ trách 2 tỉnh Cần Thơ và Trà Vinh vì lãnh đạo 2 tỉnh này bị địch bắt chưa có người thay.
Tháng 3/1943, trên đường đi hội nghị Liên tỉnh ủy Hậu Giang, khi đến Trà Côn (Trà Ôn), đồng chí Tạ Bửu bị bệnh nặng(3), phần bị địch truy nã gắt gao, cơn bệnh đã cướp đi sinh mạng người Bí thư Tỉnh ủy tuổi vừa tròn 22 tràn đầy ý chí và nghị lực cách mạng.
Vấn đề còn lại
Vấn đề còn lại là sau hơn 10 năm nghiên cứu tài liệu và tìm hiểu thì gốc gác đồng chí Tạ Bửu ở đâu, mồ mả ra sao, hình ảnh thế nào?
Hiện nay, những người công tác chung với Tạ Bửu còn sống đếm không đầy bàn tay, phần lớn đã hy sinh, già yếu, từ trần.
Ngay khi còn khỏe(4), đồng chí Nguyễn Thành Thơ tìm hiểu người chăm sóc sức khỏe cho Tạ Bửu ở bệnh viện Trà Ôn là một thợ hớt tóc, một quần chúng tốt tên Bảy Truyện.
Ông lo an táng Tạ Bửu và làm dấu hiệu định sau này báo lại cho thân nhân biết. Nhưng không ngờ sau giải phóng, khi Nguyễn Thành Thơ tìm hiểu và đến thì người thợ hớt tóc ấy đã từ trần trước đó mấy năm?
Còn lại một số người ở chung, song do hoạt động bí mật nên biết người, kể cả bồi dưỡng kết nạp Đảng, nhưng không biết người “thầy” quê ở đâu vì nguyên tắc giữ bí mật?
Đồng chí Nguyễn Thành Thơ lúc sinh tiền có nói: Tìm hiểu quê hương Tạ Bửu chỉ còn cách bám theo bà Nguyễn Thị Liên (Hai Liên) lúc đó làm giao liên ở cùng đơn vị công tác với nhau. Có lẽ bà Hai Liên biết?
Năm 2006, tình cờ gặp ở cuộc họp mặt truyền thống, bà Hai Liên gợi ý nên nghiên cứu xã Trung Hiếu thì họa may. Thế là năm 2007, gặp được cụ lão thành cách mạng Lê Văn Uẩn 86 tuổi.
Cụ là bà con được Lê Quang Phòng(5) giáo dục đi làm cách mạng. Ông và Tạ Bửu tham gia công tác năm 1936 được phân công ở Văn phòng Tỉnh ủy.
Tạ Bửu học ít, viết có hoa tay, chữ đẹp nên giao việc viết in truyền đơn, sau đó in báo Tiến Lên, in bằng xu-xoa. Lúc đó, cơ quan đóng bí mật tại ấp Ông Cớ (xã Hòa Hiệp- Tam Bình). Ông Uẩn không lâu sau đó về công tác ở địa phương.
Tạ Bửu tên thật là Lê Văn Bửu (Bé Bửu, Bé Con) sinh năm 1921 tại ấp An Lạc, xã Trung Hiếu, Vũng Liêm(6), con ông Lê Văn Ngà- hy sinh ở Côn Đảo.
Người anh ruột Lê Văn Trọng hy sinh trong chống Pháp tái chiến, mẹ bệnh mất sớm trong gia đình nghèo túng. Được người bà con họ là Lê Quang Phòng khuyên đi làm cách mạng, Bé Bửu còn được ông Tạ Uyên (Bí thư Tỉnh ủy, sau là Bí thư Xứ ủy) nhận làm con nuôi.
Khi còn sống, ông Võ Văn Kiệt tổ chức xây dựng nhà thờ cho đồng chí Tạ Uyên- người chăm sóc và giới thiệu kết nạp Đảng cho mình.
Hiện nay con gái ông Tạ Uyên là Tạ Tú Xuân đang thờ Tạ Uyên và người anh Tạ Bửu tại số nhà 349/25 đường Phó Cơ Điều (thuộc ấp Phước Ngươn, xã Phước Hậu- Long Hồ). Bằng Tổ quốc ghi công Tạ Bửu, số 721 QĐTTGCP do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 25/7/2005.
Hơn 10 năm đi tìm mộ và hình ảnh, nhưng thời gian càng trôi qua việc tìm hiểu ngày càng khó khăn. Có lẽ bà Nguyễn Thị Liên nay là người duy nhất còn sống sót. Bà nay 97 tuổi (sinh năm 1923) hiện ở căn phố số 71/63 Khóm 6, khu phố Nguyễn Huệ (Phường 2- TP Vĩnh Long).
Thể hiện một tấm lòng ơn nặng, nghĩa sâu, bà Nguyễn Thị Liên đã kể lại, diễn tả cho họa sĩ Tín Đức dày công nghiên cứu thực hiện bức chân dung đồng chí Tạ Bửu (1921-1943)(7).
Ngày 30/4/2019.
(1) Gồm 7 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
(2) Trong đợt phát triển đảng viên lần này có đồng chí Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ, sau này là ủy viên Trung ương Đảng, quê xã Vĩnh Xuân).
(3) Bệnh đường ruột cấp tính.
(4) Đồng chí Nguyễn Thành Thơ (1925- 2015).
(5) Lê Quang Phòng- Bí thư huyện Vũng Liêm (1916- 1967).
(6) Nay xã Trung An.
(7) Theo bà Nguyễn Thị Liên, đồng chí Tạ Bửu sinh 1921, còn ông Lê Văn Uẩn (xã Trung Hiếu) nói ông Tạ Bửu một tuổi với ông, vì cùng tham gia cách mạng một ngày nên biết sinh năm 1920.
NGUYỄN CHIẾN THẮNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin