Việc tìm kiếm người tài là một vấn đề không hề dễ, thậm chí khi có được người tài thì làm sao để giữ chân được họ lại là điều khó. Chính sách với người có tài năng tỉnh nào cũng thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả. Chia sẻ với Báo Lao Động về giải pháp để thu hút nhân tài, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng hãy học cách làm của doanh nghiệp tư nhân đang áp dụng đối với người có năng lực, tài năng.
Việc tìm kiếm người tài là một vấn đề không hề dễ, thậm chí khi có được người tài thì làm sao để giữ chân được họ lại là điều khó. Chính sách với người có tài năng tỉnh nào cũng thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả. Chia sẻ với Báo Lao Động về giải pháp để thu hút nhân tài, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng hãy học cách làm của doanh nghiệp tư nhân đang áp dụng đối với người có năng lực, tài năng.
Đại biểu Đặng Thuần Phong. Ảnh: quochoi.vn |
Chất xám đang chảy ngược
Tuần qua, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong dự thảo luật này có chính sách về thu hút nhân tài khiến nhiều người quan tâm, vì thời gian qua đã có nhiều chính sách cho nhóm đối tượng này nhưng chưa thực sự hiệu quả. Bên hành lang Quốc hội, khi chia sẻ với Báo Lao Động, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề này.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chia sẻ, thời gian qua chất xám chúng ta đang bị “chảy ngược”. Những người tài làm việc tại cơ quan nhà nước bỏ ra làm tư rất nhiều. Ở nước ngoài, người ta thu hút người tài từ khu vực tư vào khu vực công nhìn thấy rõ. Trong khi đó, chúng ta thì ngược lại người tài bỏ khu vực công ra tư, ra nước ngoài.
“Chúng ta chưa có đánh giá tổng kết nguyên nhân vì sao. Chính sách với người có tài năng là có. Tỉnh nào cũng làm, ngành nào cũng làm. Nhưng thực chất lý do nào mà tài năng không vào mà lại mai một đi” - ông Phong nói và cho biết thêm bây giờ, chúng ta vẫn đưa chính sách thu hút người tài vào dự luật. Giao Chính phủ quy định chi tiết khung, cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ... nhưng cần đánh giá lại thực tiễn và cơ chế chính sách phải có dự thảo, tính toán rõ ràng mới thu hút được tài năng.
Góp ý về vấn đề nêu trên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, hiện nay có một bất cập là thiếu những chính sách về thu hút những cán bộ giỏi. Thời gian qua có rất nhiều cán bộ giỏi đã rời bộ máy, trong khi đó bộ máy đang thiếu những cán bộ giỏi để đáp ứng tình hình mới của đất nước. Có điều này là do chúng ta chưa có những đãi ngộ xứng đáng về tiền lương, tạo môi trường tốt nhất cho cán bộ giỏi phát huy năng lực của mình.
Từ vấn đề đó, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, cần thiết phải xây dựng những bộ công cụ đánh giá người lao động theo chu kỳ. Ông nêu quan điểm: “Tôi cho rằng một cán bộ dù hợp đồng hoặc viên chức, nếu chưa có cách thức để đánh giá, xác định đâu là người giỏi, đâu là người yếu kém năng lực, thì dù là hợp đồng cũng rất khó đưa ra khỏi bộ máy”.
Bổ sung khái niệm người tài vào luật?
Trong khi đó, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) lại cho rằng để thu hút được nhân tài, trước hết cần phải bổ sung khái niệm thế nào là người có tài năng ngay trong luật. Sau đó, cần có nguyên tắc chung về cơ chế, chính sách, môi trường làm việc để thu hút nhân tài.
“Hiện chúng ta đã có những quy định về thu hút tài năng ở một số lĩnh vực, nhưng mới chỉ là tuyển dụng đầu vào, chưa thể hiện được những quy định về cơ chế lương bổng, môi trường làm việc. Chúng ta cứ nói thu hút nhân tài, mà nói không đi đôi với làm, người giỏi không được cơ chế đãi ngộ đặc biệt về lương, để họ có thể nuôi sống mình và gia đình, thì cũng khó giữ chân được họ” - bà Hoa thẳng thắn.
Ngoài ra, theo đại biểu Đào Tú Hoa, việc đánh giá cán bộ công chức hiện vẫn là khâu yếu, chứ đánh giá đúng thực tế, không ít trường hợp cảm tính, nể nang nhau. Vì đánh giá chưa được khách quan, người đứng đầu đơn vị chưa công tâm cũng khiến những người giỏi thực sự chán nản, không muốn gắn bó, làm việc lâu dài trong bộ máy nhà nước.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) thì cho rằng, trước tiên luật cần quy định rõ thế nào là người tài. Ai là người đánh giá họ có tài, bộ công cụ nào để đánh giá? Ví dụ như người được giải khoa học cấp quốc gia, quốc tế, thủ khoa các trường đại học… có được coi là người tài hay không? Khi có bộ công cụ, quy định đánh giá, cần bắt tay vào việc tạo ra môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ với những người có tài năng.
“Hãy học cách các doanh nghiệp tư nhân họ làm. Khi tuyển dụng, họ xây dựng những tiêu chí rất cụ thể, đặt hàng rõ những gì họ muốn và kỳ vọng ở những người họ sắp tuyển dụng. Họ đưa ra một thử thách để xác định người đó thực sự có năng lực hay không, mà không nhìn vào bằng cấp, hay giải nọ, giải kia. Nếu ai vượt qua được thử thách đó, họ sẽ có những chính sách đãi ngộ về lương bổng, nhà, xe, thậm chí đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho người lao động và con cái của họ. Tại sao những người có năng lực thực sự họ thích làm việc cho tư nhân thay vì vào cơ quan nhà nước? Vì ở môi trường đó họ được tôn trọng cái tôi, được sáng tạo và quan trọng hơn được đãi ngộ xứng đáng, để toàn tâm toàn ý với công việc” - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Chính phủ đề nghị chỉ có một Phó Chủ tịch HĐND
Ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đối với số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giảm số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 Phó Chủ tịch ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Loại ý kiến thứ hai là giữ nguyên số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện như Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. “Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất” - Bộ trưởng Tân nói.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế. Theo đó, việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí vào vị trí công việc nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi.
Do trong hồ sơ Chính phủ trình chưa có đánh giá tác động kỹ nên ý kiến thảo luận trong Uỷ ban Pháp luật còn khác nhau và nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành để bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Theo C.NGUYÊN - Đ.CHUNG - T.TRUNG/LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin