Gia nhập Công ước 98 - nỗ lực của Việt Nam trong thực thi CPTPP

06:05, 29/05/2019

Gia nhập Công ước 98 khẳng định nỗ lực của Việt Nam thực thi cam kết liên quan đến lao động trong CPTPP, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội.

Gia nhập Công ước 98 khẳng định nỗ lực của Việt Nam thực thi cam kết liên quan đến lao động trong CPTPP, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội.

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thuyết minh, Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Gia nhập Công ước 98 phù hợp với thị trường lao động Việt Nam

Tờ trình và Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, nêu rõ đây là một trong số 8 công ước cơ bản của ILO.

Tính đến tháng 1/2019 đã có 165/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia. Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác…

Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam.

Gia nhập Công ước 98 sẽ giúp người lao động được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể. Việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 cũng tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế.

Gia nhập Công ước 98 khẳng định nỗ lực của Việt Nam thực thi cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định CPTPP.

Báo cáo thẩm tra khẳng định sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Tất cả các bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98. Có ý kiến cho rằng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Công ước 98 đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, cần đảm bảo đồng bộ về thời gian hiệu lực giữa Công ước số 98 và Bộ luật Lao động (sửa đổi) để tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước.

Một số đại biểu cho rằng khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 sẽ có một số quy định mới liên quan đến Luật Công đoàn năm 2012. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất, Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ các mặt không thuận lợi khi gia nhập Công ước số 98 để chủ động các phương án xử lý tốt nhất không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có một số nội dung mới đưa ra xin ý kiến được nhiều đại biểu quan tâm, đặc biệt là việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa và điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển lao động mới mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định, chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ; bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ.

Bên cạnh đó, việc trả lương ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nêu rõ nếu tổ chức làm thêm quá 200 giờ doanh nghiệp phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ; quy định rõ các ngành, nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như một số ngành, nghề gia công (dệt, may, da, giày...), các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ (như chế biến nông, lâm, thủy sản).

Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Bộ luật đưa ra 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến tổ chức đại diện người lao động của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở của tổ chức đại diện người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội và đặc điểm của quan hệ lao động của Việt Nam./.

Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh