Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai

08:02, 21/02/2019

Tỉnh ủy Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị báo cáo chuyên đề về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979- 17/2/2019).

 

Quyết tâm giữ từng tấc đất, đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc.Ảnh: TTXVN
Quyết tâm giữ từng tấc đất, đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc.Ảnh: TTXVN

Tỉnh ủy Vĩnh Long vừa tổ chức hội nghị báo cáo chuyên đề về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979- 17/2/2019).

Hội nghị đã nghe báo cáo viên trình bày về bối cảnh lịch sử, diễn biến, bài học lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân cả nước, đặc biệt là lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc.

Theo báo cáo viên, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế và khu vực, đặc biệt là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hết sức phức tạp.

Đối với Việt Nam, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là hòa bình, ổn định để hàn gắn vết thương chiến tranh và tập trung trí tuệ, sức lực thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc huy động 600.000 quân, với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh, phòng không với hàng ngàn khẩu pháo, trong đó có nhiều dàn phóng hỏa tiễn bất ngờ tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta một lần nữa phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Do không đạt được mục tiêu đề ra, bị quân, dân các tỉnh biên giới giáng trả mạnh mẽ và bị dư luận tiến bộ trong nước và thế giới lên án, ngày 5/3/1979, Trung Quốc phải tuyên bố rút quân.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì nhiều đơn vị quân đội, gây xung đột, lấn chiếm biên giới. Từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, Trung Quốc tiếp tục đưa hơn chục ngàn lượt quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là cơ sở để chúng ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Việc nhìn lại cuộc chiến đấu kiên cường, oanh liệt của quân và dân ta cũng là dịp để ôn lại bài học lịch sử, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng mọi lúc, mọi nơi và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Đồng thời, khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam với Trung Quốc trên tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Hai bên cũng cần giải quyết những bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích của nhau.

Đồng thời, theo báo cáo viên, một bài học lớn mà chúng ta cần nhắc đến nhân sự kiện lịch sử này là chúng ta phải mềm dẻo, linh hoạt trong các mối quan hệ quốc tế; xác định rõ đối tác, đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Việt Nam cũng cần làm chủ về kinh tế, chính trị, nhất là trong mối quan hệ với Trung Quốc và phải duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước.

Song song, tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch với các hoạt động chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Với tinh thần cảnh giác cách mạng và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, chúng ta tin tưởng rằng, kinh tế của nước nhà sẽ ngày càng phát triển, vị thế đất nước chúng ta sẽ ngày càng nâng cao trên trường quốc tế, sẵn sàng đập tan mọi đối tượng nào xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”- báo cáo viên nhấn mạnh.

Hiện nay, mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc phát triển mạnh. Lãnh đạo cấp cao 2 nước thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Song song, ngoài các mặt hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục- đào tạo, du lịch,… thì công tác biên giới cũng được chú trọng thực hiện.

2 bên đã tiến hành đàm phán thực chất và ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền” ngày 30/12/1999 về biên giới trên bộ.

Tháng 2/2009, trên cơ sở tôn trọng lịch sử và xét đến hiện tại, hiệp thương thẳng thắn và lâu dài, 2 nước hoàn thành việc cắm mốc biên giới đất liền. 2 bên cũng thực hiện tốt công tác điều tra liên hợp nguồn thủy sản và tuần tra chung của hải quân 2 nước ở vịnh Bắc Bộ.

Về vấn đề biển Đông, Việt Nam- Trung Quốc nhất trí thông qua đàm phán hòa bình và luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà 2 bên có thể chấp nhận được.

Đồng thời, hợp tác quốc phòng Việt Nam- Trung Quốc có những bước tiến mạnh mẽ với việc 2 bên thường xuyên trao đổi nhằm tạo sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau.

  NGUYỄN THỊNH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh