Xác định đúng vai trò, đúng nội dung trong giám sát

01:11, 27/11/2018

Qua 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về "Ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội", được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền và các ngành có liên quan, Quyết định 217, 218 đã được tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân và tạo được sự đồng thuận cao.

 

UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long giám sát về hoạt động của mô hình kinh tế tập thể tại một hợp tác xã thuộc huyện Long Hồ.
UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long giám sát về hoạt động của mô hình kinh tế tập thể tại một hợp tác xã thuộc huyện Long Hồ.

Qua 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về “Ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội”, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền và các ngành có liên quan, Quyết định 217, 218 đã được tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân và tạo được sự đồng thuận cao.

Đã có sự phối hợp triển khai thực hiện

Phát huy vai trò giám sát của UBMTTQ, việc ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp giám sát của mặt trận đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều tổ chức thành viên mặt trận, lựa chọn được những nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của nơi giám sát, đạt được kết quả tích cực.

UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã chủ trì tổ chức giám sát được 16 nội dung; phối hợp với các ngành có liên quan giám sát được 40 nội dung, nổi bật như giám sát việc quản lý nhà nước đối với sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, việc thực hiện chính sách pháp luật trong doanh nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm,…

Đồng thời, hàng năm có 100% mặt trận cấp huyện- thị- thành chủ trì giám sát ít nhất 2 nội dung và cấp xã- phường- thị trấn giám sát được từ 1 đến 2 nội dung, tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội, người dân quan tâm như bình xét hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều, việc chi trả chế độ cho gia đình chính sách, bình nghị xét cất nhà đại đoàn kết, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân,…

Ngoài ra, để hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã- phường- thị trấn được thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, UBMTTQ tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức, cập nhật thông tin, văn bản mới. Qua đó đã tổ chức được nhiều cuộc giám sát thực tế và phát hiện được nhiều trường hợp vi phạm yêu cầu xử lý.

Bên cạnh, nhiều ý kiến phản biện xã hội của mặt trận từ tỉnh đến cơ sở, của các tổ chức thành viên được các cơ quan tiếp thu, đánh giá cao, trở thành kênh thông tin quan trọng giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý.

Công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được quan tâm thực hiện, mặt trận các cấp đã tổ chức được 118 cuộc hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp, tham gia đóng góp các dự thảo luật; có 8/8 huyện- thị- thành và 109/109 xã- phường- thị trấn xây dựng hộp thư góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Vẫn còn nhiều lúng túng

Tuy nhiên, vẫn còn một số UBMTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội cấp cơ sở còn lúng túng, chưa xác định được vai trò, nội dung, đối tượng trong việc tổ chức giám sát và phản biện xã hội; nhiều vấn đề người dân bức xúc nhưng thiếu cơ chế cụ thể để giám sát.

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy- cho rằng, phải xây dựng được kế hoạch cụ thể giám sát, nghiên cứu lựa chọn nội dung, địa bàn và phải được cấp ủy thông qua.

Bà Lê Ngọc Phượng- Phó Chủ tịch UBMTTQ TX Bình Minh- nói rằng, phải có kế hoạch tập huấn đến từng cơ sở để nắm vững được nội dung và cách thức thực hiện, phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn và cần sự quan tâm của cấp ủy hơn nữa.

Ông Phan Văn Hà- Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Long Hồ- cho biết: Khi giám sát, các thành viên phải nắm rõ được nội dung vấn đề để đặt câu hỏi chính xác. MTTQ tỉnh phải tăng cường hướng dẫn cụ thể sát sao hơn.

Cấp xã còn rất lúng túng, gặp nhiều khó khăn, chưa xác định được nội dung và đối tượng giám sát để làm kế hoạch, cần phải tập huấn nhiều hơn. Nếu dư luận xã hội có bức xúc gì thì cần đưa ngay vào nội dung giám sát. Sự quan tâm của cấp ủy và sự ủng hộ của các ngành các cấp là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Sao- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật (UBMTTQ tỉnh) cho rằng, để giám sát và phản biện xã hội thực hiện tốt hơn thì người chủ trì phải xác định đúng vai trò của mình, phải đảm bảo được tính xã hội, phải nghiên cứu thật kỹ lựa chọn đúng nội dung giám sát đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Bà Lê Hồng Đào- Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh- cho biết: Vai trò giám sát của mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội đã được thực hiện theo thể chế luật.

Trong thời gian tới, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, lựa chọn nội dung thiết thực, xuất phát từ nhu cầu bức xúc của các tầng lớp nhân dân.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh