Là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công một lòng trung với Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; sống giản dị khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết.
Là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công một lòng trung với Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; sống giản dị khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết.
Đồng chí Võ Chí Công (giữa) với đồng chí Võ Văn Kiệt và các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 8, ngày 18/12/1989, tại Hội trường Ba Đình. Ảnh: TTXVN |
Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà quân sự mưu lược
Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912, tại xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Được thừa hưởng dòng máu yêu nước cách mạng của gia đình kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, tuổi trẻ của đồng chí Võ Chí Công được rèn đúc trong các phong trào đấu tranh yêu nước sục sôi chống Pháp ở Trung Kỳ lúc đó, và đã sớm trở thành một thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết cách mạng.
Năm 1932, khi mới 19 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, và chỉ ít lâu sau đồng chí trở thành người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Đảng ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Trong suốt những năm hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa (trước Cách mạng Tháng Tám 1945), đồng chí liên tục bám dân, trực tiếp lãnh đạo của các cấp bộ Đảng địa phương, xây dựng và phát triển lực lượng quần chúng rộng khắp.
Nhờ đó, hàng loạt cơ sở cách mạng và các tổ chức, đoàn thể yêu nước đã ra đời, tập hợp được đông đảo lực lượng nhân dân tham gia, tạo nên phong trào cách mạng sôi nổi trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939) trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác ở miền Trung.
Năm 1940, đồng chí trực tiếp đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- một địa bàn địch thường xuyên khủng bố, đánh phá ác liệt.
Giữa năm 1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và bị đưa đi đày tại Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm cấm cố. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí được trả tự do, trở về quê nhà và tham gia Ủy ban khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền nhanh gọn ở Quảng Nam- Đà Nẵng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Võ Chí Công được phân công đảm trách nhiệm vụ mới, là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Khu ủy Khu V, lãnh đạo nhân dân Khu V kháng chiến chống Pháp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Quân khu ủy Khu V, nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung đã kiên cường chiến đấu, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève (7/1954), lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đầu năm 1953, đồng chí Võ Chí Công được Trung ương triệu tập ra Việt Bắc tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng để bàn về cải cách ruộng đất.
Sau đó, đồng chí được giữ lại ở miền Bắc tham gia công tác phát động quần chúng đấu tranh giảm tô, cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.
Với tư cách là người trong cuộc, đồng chí phê phán cách làm rập khuôn, giáo điều dựa vào kinh nghiệm nước ngoài một cách máy móc, dẫn đến những sai lầm, tổn thất cho cách mạng.
Từ kinh nghiệm đau xót và bài học được rút ra, sau này cách mạng miền Nam đã tránh được nhiều tổn thất trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất và chính sách đối với nông dân ở vùng giải phóng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên khu V bao gồm cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là chiến trường khốc liệt. Trên cương vị Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí Võ Chí Công đã bám trụ kiên cường, tổ chức chỉ đạo quân và dân Khu V chiến đấu không lùi bước.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Khu V, trực tiếp là đồng chí Võ Chí Công- Bí thư Khu ủy, địa bàn Khu V luôn đi đầu trong phong trào thi đua diệt Mỹ, góp phần tạo thế đứng quan trọng của ta trên chiến trường miền Nam.
Nhà lãnh đạo với tư tưởng đổi mới
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được Đảng và Nhà nước phân công giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách khối công- nông- ngư nghiệp.
Đây là công việc mới mẻ, phức tạp và nặng nề, nhưng với tác phong làm việc luôn đi sâu đi sát cơ sở, đồng chí đã xuống nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam Ninh... để tìm hiểu thực tiễn khó khăn, nhưng vấn đề về cơ chế “trói buộc” nông dân, từ đó có những kiến nghị cụ thể với Trung ương, từng bước tháo gỡ, tạo đà cho việc hình thành tư tưởng “khoán” trong nông nghiệp, mở đầu cho thời kỳ đổi mới quan trọng của đất nước.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước- nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp 1980 thành Hiến pháp mới- Hiến pháp 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển.
Với những đóng góp to lớn cho đất nước, năm 1992 đồng chí đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Ngày 8/9/2011 đồng chí qua đời tại TP Hồ Chí Minh.
PV (theo TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin