Trong bản báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản trình Quốc Hội, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội đã đề xuất hai phương án về đấu giá nợ xấu.
Trong bản báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản trình Quốc Hội, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội đã đề xuất hai phương án về đấu giá nợ xấu.
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản. |
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, sáng 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản.
Theo Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản, về đấu giá đối với chứng khoán, có ý kiến đề nghị cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu giá tài sản đối với chứng khoán và tài sản nhà nước ở nước ngoài để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất; đề nghị bổ sung điều chỉnh Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản khi chưa tiến hành chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đấu giá chứng khoán hiện nay được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật như luật chứng khoán; luật doanh nghiệp; luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Việc đấu giá chứng khoán được tiến hành theo cách thức khác biệt hoàn toàn so với niêm yết tài sản thông thường; trình tự, thủ tục đấu giá nghiêm ngặt, phải có tổ chức bảo lãnh phát hành; số lượng người tham gia có thể lên đến hàng nghìn người, hàng triệu chứng khoán có thể được giao dịch cùng một lúc.
Hơn nữa, việc đấu giá chứng khoán hoàn toàn được thực hiện trên sàn giao dịch điện tử hiện đại, thực hiện phiên khớp lệnh liên tục, đòi hỏi yêu cầu cơ sở hạ tầng và chuyên môn kỹ thuật cao mà điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị của các tổ chức đấu giá tài sản thông thường không thể đáp ứng được. Do vậy, việc dự thảo Luật đấu giá tài sản quy định việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán là phù hợp.
Về các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung thuật ngữ “tổ chức đấu giá tài sản” tại Điều 4 bao gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản, theo đó bổ sung điều chỉnh tổ chức đấu giá tài sản tại Điều 1, Điều 2 và một số điều, khoản liên quan nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất khi các Trung tâm này chưa chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác. Một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án Luật. Ý kiến khác cho rằng việc quy định xử lý nợ xấu tại dự án Luật là không phù hợp, không đảm bảo linh hoạt và đề nghị giao Chính phủ quy định về vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Do vấn đề này còn có các loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề xuất 2 phương án như sau để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội:
Phương án 1: Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC. Do vậy, xin sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung mục 3 gồm 2 điều về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm o khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá...
Phương án 2: Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.
Theo Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản, một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.
Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉnh lý quy định tại Chương III, Chương IV và Chương VI theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá như niêm yết việc đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản...; bổ sung tại khoản 4 Điều 72 quy định hủy kết quả đấu giá tài sản theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước khi có căn cứ về hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản. Đồng thời, bổ sung các quy định tại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan làm cơ sở áp dụng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản.
Theo DNVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin