Trong chương trình làm việc tuần thứ 3, kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước; nghe Chính phủ trình một số dự án luật.
Trong chương trình làm việc tuần thứ 3, kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước; nghe Chính phủ trình một số dự án luật.
Trong ngày đầu tuần, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội hai dự án luật, gồm: dự án Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đây là hai dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, phối hợp một số bộ, ban, ngành theo sự phân công của Chính phủ.
Dự án Luật Cảnh vệ thực hiện theo Nghị quyết số 89/2015/QH13 ngày 9-6-2015 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Việc xây dựng Luật Cảnh vệ để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự của lực lượng Cảnh vệ được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013.
Việc xây dựng dự án luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua, kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cảnh vệ; bảo đảm pháp luật cảnh vệ có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, dự án phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Cảnh vệ một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Ngày 15-8, tại phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ và nhất trí trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này vào kỳ họp thứ 2 (tháng 10-2016). Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về dự án luật và hoàn chỉnh hồ sơ dự án theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Trong phiên làm việc chiều 31-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tô Lâm trình Quốc hội tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Luật này sẽ thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác này, bảo đảm tính hợp hiến và tương thích của luật với các quy định của pháp luật hiện hành. Luật được ban hành sẽ điều chỉnh thống nhất về lĩnh vực này.
Bảo đảm tính kế thừa và phát huy tác dụng tốt của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; khắc phục được những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong tình hình hiện nay.
Việc ban hành luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; quy định rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Để triển khai xây dựng dự án, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an thành lập Ban soạn thảo do Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban và thành viên đại diện các bộ, ngành, cơ quan hữu quan.
Quá trình xây dựng dự án luật, Ban soạn thảo đã tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung như tổng kết thi hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ làm cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng phục vụ quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án.
Trong các ngày thứ ba, thứ tư, thứ sáu, các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội tại nghị trường được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Trong đó, phiên làm việc ngày thứ ba (1-11) và thứ tư (2-11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Tại các phiên thảo luận này, thành viên Chính phủ cùng dự và có phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ngày 3-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Phiên làm việc ngày thứ sáu, 4-11, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quốc hội sẽ thảo luận về nội dung này.
Theo Nguyễn Thành (CAND)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin