Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình nhưng những mất mát, đau thương của chiến tranh vẫn kéo dài đến tận ngày hôm nay. Có lẽ không gì đau xót hơn khi hậu quả của nó vẫn ảnh hưởng đến tận những người Việt thế hệ thứ 3, thứ 4 như những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+) |
Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình nhưng những mất mát, đau thương của chiến tranh vẫn kéo dài đến tận ngày hôm nay. Có lẽ không gì đau xót hơn khi hậu quả của nó vẫn ảnh hưởng đến tận những người Việt thế hệ thứ 3, thứ 4 như những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, về cuộc chiến đòi công lý, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
- Đã 55 năm kể từ ngày Mỹ bắt đầu sử dụng chất độc dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam (1961-2016), xin ông cho biết hậu quả nặng nề của thảm họa này còn lại đến ngày hôm nay?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả nặng nề nhất.
Từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam làm cho môi trường, sinh thái bị hủy hoại nặng nề. Có tới khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Đến nay, hàng vạn người bị tước đi quyền làm cha, làm mẹ. Hàng triệu trẻ em sinh ra nhưng không được làm người trọn vẹn. Không chỉ người Việt Nam, mà cả binh lính Mỹ và đồng minh của Mỹ tham chiến ở Việt Nam cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học này.
Điều đau đớn nhất là di chứng chất độc da cam/dioxin đã truyền sang thế hệ con, cháu, chắt. Ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Số nạn nhân là con, cháu và chắt người bị nhiễm trong chiến tranh ở Việt Nam có thể lên đến hàng triệu người.
Bộ Y tế Việt Nam chuẩn bị công bố danh mục trên 200 nhóm bệnh tật, dị dạng, dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, với các căn bệnh: Liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, thoát vị não, tật không có tủy sống, teo vận động mạch phổi...
- Chất độc da cam đã để lại hậu quả nặng nề và cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân đã kéo dài hơn 12 năm, xin ông cho biết Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện đòi công lý như thế nào?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Phải khẳng định rằng việc đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam là một “cuộc chiến” lâu dài, gian khổ. Những nạn nhân chất độc da cam đã rất đoàn kết, đấu tranh tới cùng để đòi lẽ phải.
Chính phủ Mỹ đã bồi thường cho các nạn nhân là cựu chiến binh của Mỹ, tuy nhiên khi nói đến nạn nhân bị chất độc da cam/dioxin của Việt Nam thì họ cho rằng chất da cam không độc hại nên không thụ lý vụ kiện. Điều này đi ngược lại với lương tâm của những người dân Mỹ và nhân dân tiến bộ thế giới. Công ty hóa chất Mỹ thì né tránh trách nhiệm đổ lỗi cho Chính phủ Mỹ là người mua và sử dụng chất dioxin.
Cho dù “cuộc chiến” lâu dài, gian khổ thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý. Tuy nhiên hình thức đấu tranh cũng sẽ phải khác đi, chúng ta vẫn tiếp tục tập hợp bằng chứng để kiện các công ty hóa chất Mỹ nhưng chúng ta vẫn có thể vận động Chính phủ Mỹ, nhân dân Mỹ viện trợ nhân đạo để khắc phục hậu quả của dioxin. Quốc hội Mỹ, Chính phủ Mỹ đã chấp thuận tẩy độ dioxin ở Viện Nam và viện trợ cho người khuyết tật trong đó có nạn nhân chất độc da cam.
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: TTXVN) |
- Bên cạnh những di chứng bệnh tật của các nạn nhân, một trong những vấn đề mà người dân quan tâm nhất lúc này chính là việc dọn sạch môi trường ở những vùng bị nhiễm độc, công việc này đang được thực hiện thế nào thưa ông?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Đã 40 năm kể từ ngày kết thúc chiến tranh, đất nước hòa bình, chất độc da cam/dioxin ở trong môi trường trên toàn bộ đất nước cũng được xử lý cơ bản. Toàn bộ phần ô nhiễm môi trường ở rừng, ở núi, ở đồng ruộng là không còn.
Hiện nay, theo một số điều tra, nghiên cứu chỉ còn 28 điểm nóng chứa dioxin. Trong đó có 3 điểm nóng, chứa dioxin là Sân bay Đà Nẵng, sân Bay Phù Cát (Bình Định), Sân bay Biên hòa (Đồng Nai) thì Chính phủ Việt Nam và Mỹ cũng đang điều tra khắc phục từ chục năm nay.
Từ năm 2009 trở lại đây, Chính phủ Mỹ cũng đã phối hợp với Việt Nam để tẩy độc. Hiện tại đã hoàn thành giai đoạn 1, đến năm 2017, 2018 sẽ hoàn thành gia đoạn 2. Sắp tới sau Sân bay Đà Nẵng, Sân bay Biên Hòa cũng sẽ được tẩy rửa, làm sạch dioxin.
- Thưa ông, vậy các chính sách hỗ trợ những người bị nhiễm chất độc da cam hiện nay đang được thực hiện như thế nào?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới nạn nhân chất độc da cam và từ lâu đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc theo diện trợ cấp cho người có công hàng tháng. Mặt khác, họ cũng được hưởng nhiều chính sách trợ cấp ưu đãi về mặt xã hội như: Bảo hiểm y tế, trợ cấp khó khăn, cho thuê đất sản xuất, vay vốn xóa đói giảm nghèo…
Không chỉ người bị ảnh hưởng chất độc da cam ở thế hệ thứ nhất bị trong quá trình chiến đấu mà con đẻ của họ đã được trợ cấp hàng tháng của Chính phủ. Hàng năm, Chính phủ cũng đã đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng để giải quyết hỗ trợ cho số này.
Sắp tới, số lượng nạn nhân có thể tăng lên nếu bổ sung chính sách cho thể hệ thứ 3 thì chắc chắn con số kinh phí sẽ phải lớn hơn. Vì vậy, song song với việc ban hành những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi nghĩ Chính phủ cũng cần phải kêu gọi sự hỗ trợ xã hội hóa từ các tổ chức quốc tế trong việc khám chữa bệnh, nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân.
- Xin cảm ơn ông.
Theo HỒNG KIỀU (VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin