Chuyện về người đam mê nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử

02:08, 10/08/2016

Bằng tất cả trái tim và niềm đam mê vốn có, chú Phạm Công Lộc- Phó trưởng Phòng Giáo dục lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đã đến với công tác lịch sử như một cơ duyên,  góp phần lưu giữ lịch sử tỉnh nhà và với chú những câu chuyện của quá khứ chưa bao giờ cũ.

Bằng tất cả trái tim và niềm đam mê vốn có, chú Phạm Công Lộc- Phó trưởng Phòng Giáo dục lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đã đến với công tác lịch sử như một cơ duyên,  góp phần lưu giữ lịch sử tỉnh nhà và với chú những câu chuyện của quá khứ chưa bao giờ cũ.

Chú Phạm Công Lộc (bìa trái) qua tham gia đóng góp bản thảo “Xã Tân Ngãi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 35 năm xây dựng phát triển 1954- 2010”
Chú Phạm Công Lộc (bìa trái) qua tham gia đóng góp bản thảo “Xã Tân Ngãi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 35 năm xây dựng phát triển 1954- 2010”

Những năm 1976, Tỉnh ủy Cửu Long ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Cửu Long và chú Phạm Công Lộc về công tác ở ban, khởi nghiệp ban đầu có rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân sự và đặc biệt là kho tư liệu sử chưa có trang nào.

Lãnh đạo ban nhận thấy được tầm quan trọng của công tác lịch sử và những khó khăn hiện tại, 5 năm đầu, ban tập trung đi sưu tầm tư liệu lịch sử. Chú cùng với các thành viên trong ban đi đến nhiều nơi, như: Quân Khu 9, Quân khu 7, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội để sưu tầm, nghiên cứu tài liệu liên quan đến tỉnh Vĩnh Trà (Vĩnh Long, Trà Vinh). 5 năm kế tiếp vừa sưu tầm tư liệu, vừa biên soạn, hội thảo để bổ sung tư liệu lịch sử.

Sau nhiều năm sưu tầm tư liệu, đến nay, kho lưu trữ lịch sử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã lên hơn 10.000 trang tài liệu, bao gồm tài liệu: Vĩnh Long, Vĩnh Trà, Khu 9, Khu Tây Nam Bộ… tài liệu binh vận và cả tài liệu của địch (có liên quan đến lịch sử tỉnh Vĩnh Long).

Chú Lộc dẫn tôi đi xem kho lưu trữ và giới thiệu các trang tài liệu quý giá. Chú kể: “Ngoài tài liệu của cách mạng thì các tài liệu của địch điều có lưu trữ ở đây.

Đặc biệt, tại kho lưu trữ còn có hồi kỳ, tự thuật của các nhân chứng lịch sử mà cái này sưu tầm rất khó. Tôi sẵn sàng cung cấp những tư liệu lịch sử này cho tác giả biên soạn lịch sử khi họ cần”.

Được đi cùng chú Lộc dự hội thảo lần 3 đóng góp bản thảo “Xã Tân Ngãi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 35 năm xây dựng phát triển 1954- 2010”, tôi mới hiểu được sự khó khăn vất vả để biên soạn ra được quyển sách lịch sử là phải tổ chức cuộc hội thảo, gặp các nhân chứng sống, sưu tầm các tài liệu, hiện vật và biên soạn lại bản thảo.

Quy trình bắt buộc người viết phải thực hiện sớm nếu không qua thời gian các nhân chứng, tài liệu hiện vật không còn nữa.

Chú Lộc bộc bạch: “Làm công tác sử không khó cũng không dễ. Chúng ta phải chịu khó kiên trì, không nóng tính, phải nhớ dai và quan trọng là luôn có ý thức tự học, tự trao dồi kiến thức của mình mọi lúc, mọi nơi, bằng nhiều cách, như: qua các cuộc hội thảo, sách, báo, kho tư liệu... Từ đó, mình mới có thể biên soạn hoặc thẩm định được các công trình lịch sử một cách chính xác, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cơ quan”.

Và với chú, “một sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng có thể có nhiều người kể lại, viết lại theo hướng này hoặc hướng khác. Tuy nhiên, người làm lịch sử phải tôn trọng sự thật, phải phản ảnh chính xác sự kiện, không thể hư cấu hay thay đổi nội dung của sự kiện lịch sử đó”.

Bởi vậy, khi biên soạn quyển lịch sử lúc nào chú cũng mày mò sưu tầm tài liệu, gặp gỡ những nhân chứng sống để ghi chép, biên tập lại những trận đánh, địa danh.

Theo chú Lộc, công việc biên soạn lịch sử đòi hỏi người làm phải chịu đi, chịu nghe, kỹ tính và tỉ mỉ. Muốn viết được một trận đánh, một mốc lịch sử, người viết phải gặp gỡ nhiều nhân chứng, đến nhiều nơi, tìm hiểu nhiều sách.

Thậm chí, người biên soạn phải “bám” tại nhà các cụ kháng chiến lão thành để được nghe các cụ kể, rồi chép, rồi ghi âm. Cũng có khi, nhiều cụ tuổi cao, sức yếu, trí nhớ không còn được tốt nên cùng một sự kiện nhưng mỗi cụ lại kể theo một cách riêng. Do đó, người biên soạn lịch sử phải là người biết chắt lọc, phân tích và kiểm chứng thông tin.

Công tác thẩm định quyển sách sự kiện lịch sử cũng thế, người thẩm định phải đọc thật kỹ các sự kiện, các trận đánh để rồi cái nào chưa hiểu chưa rõ chú phải tra cứu lại tài liệu, sách, kho tư liệu để làm rõ hơn.

“ Công việc vất vả là vậy nhưng mỗi lần tìm được những thông tin có giá trị lịch sử, văn hóa phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, thẩm định là bao mệt mỏi đều tan biến. Để rồi những câu chuyện về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với sức hấp dẫn đặc biệt lại thôi thúc những người biên soạn, thẩm định sự kiện lịch sử như chú tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu”- Chú Lộc chân tình nói.

Đam mê và trách nhiệm trong công tác sử, hơn 40 năm gắn bó với nghề, chú Lộc cùng với các đồng nghiệp trong Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy góp phần cho việc xuất bản nhiều quyển sách có giá trị như: Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ 1931- 2005; Những người con trung hiếu; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long (1930- 2010)…

Với tinh thần trách nhiệm, yêu nghề và bề dầy kinh nghiệm trong công tác lịch sử, chú được tin tưởng bầu vào Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử tỉnh vào tháng 5/2016.

Ông Nguyễn Bách Khoa- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận xét: “Đồng chí Phạm Công Lộc là người gắn bó với công tác lịch sử Đảng của tỉnh lâu đời đóng góp đáng kể trong việc sưu tầm, biên soạn và góp ý giới thiệu các công trình nghiên cứu lịch sử trên địa bàn tỉnh. Đồng chí rất yêu nghề, có trách nhiệm với công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử và ủng hộ, giúp đỡ những đồng chí muốn tìm hiểu về lịch sử”.

Yêu lịch sử, tâm huyết, đam mê nghề ở chú Lộc là thế. Chú tâm huyết nói: “Khi về hưu tôi mong ước sẽ làm một tủ sách lịch sử cho con cháu, đồng chí, bạn bè và có cả bà con lối xóm xem, tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử”.

Bài, ảnh: TÂN NƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh