Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đáng lo ngại khi ASEAN chưa thống nhất cao

07:06, 06/06/2016

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Gần đây có những dấu hiệu cho thấy sự thống nhất trong ASEAN chưa thực sự cao. Đây là một điều đáng lo ngại.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Gần đây có những dấu hiệu cho thấy sự thống nhất trong ASEAN chưa thực sự cao. Đây là một điều đáng lo ngại.

Ngày 5/6, Đối thoại Shangri La bế mạc tại Singapore sau 3 ngày làm việc với một chương trình tiếp xúc dày đặc giữa các đoàn trong bầu không khí thảo luận thẳng thắn, cởi mở, sôi nổi.

Phóng viên VOV phỏng vấn Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về những nhìn nhận của ông sau một mùa Đối thoại Shangri La với vấn đề về Biển Đông bao phủ hầu hết chương trình thảo luận.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh trả lời PV báo chí sau khi kết thúc Đối thoại Shangri La lần thứ 15
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh trả lời PV báo chí sau khi kết thúc Đối thoại Shangri La lần thứ 15

PV: Thưa ông, trước hết xin ông có thể nói qua về những diễn biến của Đối thoại Shangri La trong 3 ngày làm việc vừa qua?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Diễn biến thực tế trong Đối thoại Shangri La năm nay nổi lên 2 vấn đề lớn. Một là vấn đề Biển Đông. Vấn đề này rất nóng và đằng sau nó thực chất là mối quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề thứ hai là giải pháp và mong muốn của các quốc gia tìm cách hóa giải xung đột, bất đồng, tình hình phức tạp đang diễn ra trên Biển Đông. Nó thể hiện sự khó khăn của cộng đồng quốc tế cũng như các nước trong khu vực để giải quyết vấn đề này.

PV: Tham gia Đối thoại Shangri La từ những kỳ hội nghị đầu tiên đến nay, Việt Nam đã chứng tỏ vai trò ngày càng tích cực của mình. Vậy tại Đối thoại Shangri La lần thứ 15 này, đoàn Việt Nam đã có những đóng góp gì cho chương trình thảo luận?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết tôi muốn nói về ý nghĩa của việc chúng ta tham gia Đối thoại Shangri La. Đây là cơ hội để chúng ta nghe và nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của các nước trong khu vực, từ đó đánh giá, định hình chiến lược quốc phòng của Việt Nam, đó là tự vệ và hòa bình.

Thứ hai, diễn đàn này cũng là cơ hội để chúng ta bày tỏ chính sách quốc phòng theo đường lối của Đảng và Nhà nước. Năm nay, vấn đề chúng ta đưa ra cũng xung quanh các thách thức an ninh khu vực và thông điệp là trong giải quyết thách thức khu vực phải hợp tác và bên cạnh đó là đấu tranh. Nếu chỉ có hợp tác mà không có đấu tranh thì không đạt được bình đẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Còn nếu chỉ đấu tranh không có hợp tác thì sẽ dẫn tới đối đầu.

PV: Thưa ông, quan điểm của Việt Nam tại Đối thoại Shangri La lần này đã được thể hiện như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Quan điểm của Việt Nam không có gì mới xung quanh vấn đề Biển Đông, đó luôn là phải giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, trước hết chúng ta thực hiện chính sách đó bằng việc khẳng định chủ quyền. Đó là chủ quyền với các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa, chủ quyền trên thềm lục địa. Chúng ta phản đối tất cả những tuyên bố khác với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam vì tuyên bố của chúng ta mang tính lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thứ hai, chúng ta nhấn mạnh chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Hiện nay ai cũng nói là tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhưng vì sao nó không được thực hiện một cách đúng đắn. Lý do thứ nhất là do cách hiểu, diễn giải khác nhau, có thể do vô tình nhưng thường là do cố ý diễn giải để có lợi cho mình. Thứ hai là khi đã cam kết thì phải thực hiện.

Như Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã nhận định là có rất ít yếu tố DOC đang được thực hiện một cách đầy đủ còn COC thì chưa biết đến bao giờ. Cho nên chúng ta luôn luôn mong muốn đàm phán hòa bình mà luật pháp quốc tế chính xác và trung thực với một cách hiểu giống nhau thì mới có thể giải quyết được.

Thứ ba, chúng ta cũng bày tỏ về sự can dự của các nước lớn ở khu vực trong đó có Mỹ, rồi sự vươn lên của Trung Quốc và các quốc gia khác. Chúng ta bày tỏ một sự đồng tình nếu can dự đó dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đem lại sự bình đằng, thịnh vượng, hòa bình cho khu vực. Nhưng can dự dẫn đến xung đột và chạy đua vũ trang thì chúng ta phản đối, bất kể đó là nước nào.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhắc đến vấn đề Biển Đông, chúng ta luôn đấu tranh vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì chủ quyền của Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc và một số nước ASEAN khác. Nhưng bên cạnh đấu tranh, chúng ta cũng tăng cường hợp tác với Trung Quốc và với các nước khác để từ đó giải quyết vấn đề.

Theo tôi đó là những giải pháp không mới nhưng nó được gắn vào hoàn cảnh cụ thể của Biển Đông hiện nay rất phức tạp, trong đó có diễn biến khiến dư luận quốc tế quan tâm là việc bồi đắp các bãi đá không người thành các đảo, các căn cứ mà sau này có thể biến thành căn cứ quân sự để khống chế Biển Đông.

PV: Hòa bình ổn định là mục tiêu cao nhất mà các quốc gia trong khu vực hướng tới. Vậy theo Thứ trưởng, làm thế nào để phát huy vai trò trung tâm của ASEAN đóng góp vào tiến trình này?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Vai trò của ASEAN tự nó đã rất quan trọng với tư cách là một Cộng đồng. Nhưng tiếng nói của khối có tác dụng đem lại lợi ích cho khu vực hay không phụ thuộc đầu tiên vào sự đoàn kết thống nhất.

Sự đoàn kết thống nhất, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Bởi khi đứng trước một vấn đề chỉ liên quan đến một vài nước chứ không phải của tất cả các nước thì thường có những nước không tích cực tham gia, thậm chí là vô trách nhiệm. Nếu không có sự đoàn kết thống nhất sẽ không có tiếng nói chung. Mà không có tiếng nói chung thì vai trò cộng đồng sẽ không còn ý nghĩa.

Thứ hai, ASEAN là một cộng đồng nhưng phải rất nỗ lực để can dự và hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, như trong khuôn khổ ADMM+. Vì đó là những nước lớn và họ có lợi ích cũng như trách nhiệm ở đây. Trách nhiệm đó trước hết là tuân thủ luật pháp, quy định ở khu vực chúng ta và họ phải đem lại hòa bình ổn định cho chúng ta chứ không phải họ đến đây để muốn làm gì thì làm. Đó là cái mà ASEAN đang cố gắng vươn tới.

Tôi cũng phải nhắc rằng, gần đây có những dấu hiệu cho thấy sự thống nhất trong ASEAN chưa thực sự cao. Đây là một điều đáng lo ngại. Nếu không củng cố điều này, nó không chỉ gây thiệt hại cho một, hai nước mà nó sẽ làm mất đi vai trò trung tâm, vai trò dẫn dắt của ASEAN.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

Theo Diệu Hương/VOV-Trung tâm Tin

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh