Phát huy giá trị văn hóa, truyền thống nhìn từ Bến cảng Nhà Rồng

07:06, 05/06/2016

Kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng, Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng thành phố xứng đáng với vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu, thành phố Anh hùng.

Kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng, Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng thành phố xứng đáng với vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu, thành phố Anh hùng.

Thanh niên TP Hồ Chí Minh tham quan triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến cảng Nhà Rồng.
Thanh niên TP Hồ Chí Minh tham quan triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến cảng Nhà Rồng.

Trong suốt buổi sáng, từ Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận 5, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc), đến Công ty cổ phần Chế biến Thủy hải sản Liên Thành (quận 4, nơi từng giúp đỡ Bác Hồ khi Người từ Phan Thiết vào Sài Gòn) và Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh (quận 4, nơi được nhân dân gọi thân quen là Bến cảng Nhà Rồng)..., đoàn đại biểu thanh niên tiên tiến TP Hồ Chí Minh đã thành kính thắp hương tưởng niệm Bác, tham quan và nghe giới thiệu về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các bạn trẻ đã dừng lại khá lâu tại Bến cảng Nhà Rồng, nơi mà vào ngày 5-6-1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời cảng xuống tàu Amiral Latouche Tréville để ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đi qua Pháp và nhiều nước khác để sau 30 năm trở lại lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc.

Đứng trước chiếc xe ô-tô hiệu Peugeot 404 do Việt kiều Pháp gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc xe đã được chuyên chở từ Pháp về bằng tàu thủy cùng với 248 kiều bào tham gia cứu quốc. Chiếc xe ngày ấy giá trị rất lớn, nhưng giá trị lớn nhất là sự “thu phục lòng người” bằng lời hiệu triệu của Bác Hồ”... Bạn Nguyễn Tùng Bảo Khanh (Quận Đoàn 12) xúc động: Tôi nghĩ giá trị văn hóa, sự chính nghĩa, là lời kêu gọi đúng đắn của Bác Hồ với những ai mang dòng máu Việt. Sinh sống gần Bến cảng Nhà Rồng, sinh viên Đỗ Văn Kim Thành (quận 4) cho biết: Nhà Rồng do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà hoàn thành vào năm 1863 với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô-típ “Lưỡng long chầu nguyệt” của đình chùa Việt Nam. Với kiểu kiến trúc độc đáo đó cho nên công trình được gọi là Nhà Rồng và bến cảng phía sau cũng mang tên là Bến cảng Nhà Rồng. Với hàng nghìn hiện vật, hình ảnh trưng bày, nơi đây thật sự là địa điểm lý tưởng để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước nhằm làm cho tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi sâu vào quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ...

Tham quan khu trưng bày Chuyên đề “Bác Hồ với Thanh niên Việt Nam” (gồm 38 tư liệu, 117 hình ảnh và bảy câu trích), trí thức trẻ Thái Bảo Ngân tâm đắc: Từ đây, Người đã ra đi để tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Với bầu máu nóng của tuổi thanh niên, Người đã hòa mình vào phong trào công nhân và nhân dân lao động để tìm tới con đường cách mạng đúng đắn. Hôm nay, lớp trẻ chúng tôi phải dùng tri thức của mình vun đắp, dựng xây TP Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, xứng danh thành phố mang tên Người...

Xen lẫn với những người trẻ, bà Lê Hạ, người từng được Bác Hồ tặng hoa đứng ngắm khối tài liệu, hình ảnh và hiện vật (trong Chuyên đề trưng bày về “Nhân dân miền Nam với Bác Hồ”) tại Bến cảng Nhà Rồng. Chỉ vào tấm ảnh hoen mờ chụp ảnh bản thân mình đang nhận bó hoa từ tay Bác năm 1963, bà Lê Hạ nghẹn ngào: Những lời Bác dạy tôi cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Khi ấy tôi là học sinh miền nam đang học tại Hải Phòng. Một buổi sáng, Bác Hồ ghé thăm trường, một tốp học sinh nhỏ mang hoa lên tặng Bác. Tôi cùng đội văn nghệ của trường biểu diễn múa cho Bác xem. Bài múa kết thúc, tôi cùng mấy học sinh khác ùa chạy đến bên Người. Thật bất ngờ, Bác Hồ cầm bó hoa trao cho tôi, xoa đầu tôi và nói: Bác tặng các cô chú văn công bó hoa. Ngừng một lúc, Bác nói tiếp: Các cháu là những hạt giống đỏ, phải cố gắng học cho thật giỏi để sau này trở về xây dựng miền nam. Yêu nước thì phải trở thành công dân tốt nhé. Đã mấy mươi năm nay, năm nào tôi cũng ghé thăm Bến cảng Nhà Rồng và truyền dạy cho con cháu mình phải sống như Người hằng mong muốn...

Trong những ngày này, hàng trăm đoàn khách từ nhiều nơi đã về thăm Bến cảng Nhà Rồng. Ông Trịnh Đình Phán, ấp Tân Tiến (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) vui vẻ kể: Từ khi tổ chức cho bà con trong ấp đi thăm Bến cảng Nhà Rồng về, có đến 98,4% số hộ dân trong ấp tự nguyện treo ảnh Bác. Nhà tôi còn lập bàn thờ Bác. Rồi hưởng ứng lời dạy của Bác, bà con trong ấp đóng góp quỹ “Vì người nghèo” được 12 triệu đồng/năm hỗ trợ 16 hộ nghèo làm kinh tế. Khi cấp trên kêu gọi bê-tông hóa tuyến đường liên ấp nhân kỷ niệm sinh nhật Bác, cả ấp đóng góp hơn 851 triệu đồng làm con đường sạch đẹp như hôm nay.

Là người gắn bó máu thịt với mảnh đất Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: 40 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố hết sức tự hào khi thành phố được chính thức mang tên Hồ Chí Minh. Theo con đường Bác chọn, theo tư tưởng của Người, Đảng bộ thành phố luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ quyền lợi của dân nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, từ năm 1992, thành phố đã khởi xướng chương trình xóa đói, giảm nghèo và đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm chỉ còn 0,9% (trong điều kiện số dân thành phố tăng gấp hơn hai lần). GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đạt 5.538 USD/người, tăng hơn 73% so với năm 2010. Hiện nay, thành phố đã kéo giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn từ gấp 1,8 lần năm 2008 xuống còn dưới mức gấp 1,2 lần. Từ năm 1995, thành phố tiến hành di dời các hộ dân sống trên và ven kênh, rạch bị ô nhiễm nặng; đến nay, hơn 36 nghìn hộ dân được tổ chức cuộc sống mới, tạo lại mầu xanh trên các dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé.

Thành phố luôn quán triệt sâu sắc quan điểm gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển văn hóa, xây dựng, phát triển con người cho nên ngân sách đầu tư vào giáo dục - đào tạo tăng hằng năm, phát triển cơ sở vật chất theo quy hoạch, khang trang; chất lượng dạy và học được nâng cao, là cơ sở để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.

Luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước, giai đoạn 2011 - 2015 kinh tế thành phố tăng trưởng gấp 1,66 lần mức tăng bình quân của cả nước. Hiện tại, thành phố đóng góp hơn 21% GDP của cả nước, 30% nguồn thu ngân sách quốc gia.

Theo Nhân dân

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh