"Cầu nối" giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp

04:06, 16/06/2016

Từ đặc thù của mỗi đơn vị, các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã phát huy vai trò làm "cầu nối" giữa người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN), thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho DN.

Từ đặc thù của mỗi đơn vị, các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã phát huy vai trò làm “cầu nối” giữa người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN), thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho DN.

Người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp nhờ các chính sách chăm lo thiết thực cho người lao động.
Người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp nhờ các chính sách chăm lo thiết thực cho người lao động.

Người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp

Từ một công ty yếu về năng lực sản xuất, thiếu công nhân (CN), thiếu khách hàng, đến nay Công ty TNHH 1TV Khang Thịnh (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) đã phát triển quy mô hoạt động với 5 phân xưởng, thu hút gần 1.100 LĐ; trong đó có 983 công đoàn viên (CĐV), chiếm 93% và đã thành lập chi bộ với 15 đảng viên. Năng lực sản xuất, doanh thu và nghĩa vụ nộp thuế của công ty tăng đều hàng năm.

Theo ông Lê Huy Cường- Chủ tịch CĐCS công ty, thu nhập NLĐ được đảm bảo và tăng lên theo tỷ lệ doanh thu của công ty. Qua đó, NLĐ càng gắn bó với công ty. Đạt được kết quả trên phải kể đến vai trò của CĐCS trong việc phối hợp với Ban giám đốc công ty thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Theo đó, hàng năm CĐCS đều tổ chức hội nghị NLĐ để giải quyết những ý kiến đóng góp, đề xuất của NLĐ; đồng thời, thông qua kế hoạch sản xuất, công khai tài chính và các chế độ chính sách… để NLĐ tham gia thảo luận. Bên cạnh, một trong những “chìa khóa” để xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN là xây dựng thỏa ước lao động tập thể.

Ông Nguyễn Văn Ba- Chủ tịch CĐCS DNTN TM Phước Vinh (Phường 5- TP Vĩnh Long) cho rằng “thỏa ước lao động tập thể là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng” vì cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ mỗi bên. Tại công ty, có một số điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so quy định như: số ngày nghỉ tết được hưởng lương là 6 ngày; thưởng 100.000 đ/người trong ngày khai trương; dịp lễ lớn, sẽ tổ chức phong trào vui chơi hoặc đóng góp phúc lợi xã hội và hỗ trợ 100.000- 200.000 đ/người. Bên cạnh, còn thưởng năng suất qua bình chọn, thưởng cho nhân viên đạt ngày công, lương tháng 13 cuối năm.

Đặc biệt, chương trình “Mái ấm CĐ Phước Vinh” là hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho NLĐ. Theo đó, mỗi CĐV làm liên tục 1 năm được thưởng 10 bao xi măng, nhờ vậy việc xây nhà được hỗ trợ rất nhiều. Nếu chưa có điều kiện xây nhà trong 5 năm thì số xi măng thưởng được quy ra giá trị hiện tại và cấp sổ tiết kiệm có lãi suất cao hơn ngân hàng.

Bên cạnh, nhờ xây dựng 9 tổ CĐ nên việc thông tin liên lạc rất nhanh chóng. Các chế độ cũng như mọi thắc mắc của CĐV đều được giải quyết thỏa đáng, kịp thời, ít khi phải chờ đến cuối tháng hoặc trong buổi họp định kỳ. Cũng từ đây, NLĐ và DN ngày càng gắn bó. Khi CĐV gặp khó khăn đều nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Năm 2015, đã hỗ trợ cho 35 trường hợp với số tiền gần 120 triệu đồng.

Chăm lo thiết thực cho người lao động

Nét đặc thù của Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng Vĩnh Long là CNVC-LĐ có trình độ học vấn không đồng đều, đa phần CN đều nghèo ít học, trên 2/3 NLĐ phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại.

Để chăm lo đời sống cho NLĐ, tạo sự gắn bó với công ty, CĐCS công ty đã phối hợp với Ban giám đốc xây dựng và ban hành nhiều văn bản phù hợp với mô hình công ty. Hiện thu nhập bình quân của NLĐ là 6,5 triệu đồng/tháng, 100% NLĐ được mua bảo hiểm thân thể.

Năm 2015, công ty đã trích nộp các khoản bảo hiểm trên 2,8 tỷ đồng. Hàng năm, còn tổ chức cho CNVC-LĐ tham quan nghỉ mát, nghỉ dưỡng sức tại chỗ, thăm, tặng quà với 580 triệu đồng, hỗ trợ vay tín chấp hơn 1,9 tỷ đồng.

Được nhận quà hỗ trợ nhân dịp “Tháng Công nhân”, chị Lê Thị Vàng cho biết: “Tôi sống cùng mẹ và 2 con trai ở nhà trọ, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ nhờ vào đồng lương CN của tôi, vừa rồi tôi bất cẩn khi làm việc- kéo thùng bị té gãy xương đốt bàn tay”.

Còn chị Trần Thị Hồng Điệp là lao động chính trong gia đình có 8 nhân khẩu. Chị vừa bị té gãy chân, phải đi phẫu thuật do làm việc ca đêm nên ngủ gục trên đường về nhà.

Công nhân Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng Vĩnh Long nhận quà hỗ trợ nhân “Tháng công nhân” năm 2016.
Công nhân Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng Vĩnh Long nhận quà hỗ trợ nhân “Tháng công nhân” năm 2016.

Theo bà Nguyễn Thị Quí- Chủ tịch CĐCS công ty, công ty đã thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động, có mạng lưới an toàn- vệ sinh viên hoạt động theo từng tổ, xí nghiệp, đội sản xuất, chi trên 130 triệu đồng/năm để cung cấp dụng cụ bảo hộ lao động cho CN nhằm hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; bồi dưỡng bằng hiện vật (trên 560 triệu đồng/năm) cho NLĐ tiếp xúc với môi trường nặng nhọc, độc hại. Công ty còn thành lập 2 tổ y tế, phát thuốc trị bệnh thông thường; mở lớp tập huấn sơ cứu tại chỗ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm với hơn 58 triệu đồng.

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trong DN”, ông Huỳnh Bá Long- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với CĐCS là phải xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, phải chăm lo cho được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ kết hợp với xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN, tiến đến đồng hành cùng DN vì sự phát triển bền vững.

Muốn được như thế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ CĐ phải có năng lực, trí tuệ, được tập huấn bồi dưỡng về kỹ năng, có sự hỗ trợ, hướng dẫn của cấp trên và có kinh phí để tổ chức các hoạt động, phong trào cùng các điều kiện phục vụ công tác.

 

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 122 CĐCS trong DN với 29.057 CĐV. Hàng năm, có 63,5% CĐCS đạt vững mạnh, tổ chức hội nghị NLĐ đạt 96,7%; tổ chức 270 cuộc đối thoại với NLĐ; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 91,38%. Tuy nhiên, việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ ở một số DN chưa được quan tâm thỏa đáng. Năm 2015, số tiền nợ bảo hiểm của các DN là 1,253 tỷ đồng. Trong quan hệ lao động, vẫn còn xảy ra tranh chấp với các cuộc lãn công yêu cầu quyền lợi. Nguyên nhân chủ yếu là do DN chậm giải quyết quyền lợi hợp pháp chính đáng của NLĐ; việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể còn mang tính hình thức, đối phó; việc tổ chức hội nghị NLĐ, hội nghị đối thoại với nội dung sơ sài, qua loa…

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh