Cuộc chiến tranh phía Bắc 17/2/1979: tại sao Trung Quốc không dám sử dụng không quân?

07:03, 12/03/2016

Cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, Bắc Kinh có nhắm đến Hà Nội không, tại sao họ không huy động không quân và tên lửa tham chiến?

Cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, Bắc Kinh có nhắm đến Hà Nội không, tại sao họ không huy động không quân và tên lửa tham chiến?

Về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979, rất nhiều người đã thắc mắc rằng, ngay từ đầu Bắc Kinh có ý định đánh xuống Hà Nội hay không? Ở miền Bắc lúc đó vẫn còn Quân đoàn 1, tại sao lại không tham chiến? Xin giới thiệu loạt bài trích từ báo Đất Việt.

 Bản đồ 2 mặt trận tấn công chính của quân Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam cùng các mũi tấn công.
Bản đồ 2 mặt trận tấn công chính của quân Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam cùng các mũi tấn công.

Trước và trong cuộc chiến, Trung Quốc không có ý đồ đánh xuống Hà Nội

Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nhận định rằng, theo kế hoạch ban đầu và cả các bước phát triển về sau, Trung Quốc không có ý định và cũng không thể đánh xuống Hà Nội.

Chiến tranh đã lùi xa 37 năm, Trung Quốc cũng đã công khai nhiều tài liệu có liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược nước ta ngày 17/2/1979. Theo những tiết lộ từ phía Trung Quốc và các chuyên gia phân tích quốc tế, vào thời điểm đó Trung Quốc không có ý đồ đánh sâu xuống Hà Nội.

Theo lời kể của Châu Đức Lễ (Zhou Deli)- nguyên Tham mưu trưởng Quân khu Quảng Châu, ngày 23/11/1978, Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp xây dựng một kịch bản mới về một cuộc chiến tranh quy mô đối với Việt Nam, được tuyên bố là cuộc chiến “phản kích tự vệ” trên biên giới, nhằm đáp trả “các cuộc tấn công xâm lấn biên giới của Việt Nam”.

Cuộc chiến được xác định sẽ kéo dài trong thời gian vài tuần, nhằm vào các vị trí quân sự chính của Việt Nam và các thành phố đối diện qua biên giới với các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, cũng là 2 mặt trận chính của cuộc chiến tranh.

Còn trong bài viết “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment” (tạm dịch: “Nhìn lại cuộc chiến tranh Trung- Việt năm 1979”) của Xiaoming Zhang, vào ngày 7/12/1978, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp, ra quyết định phát động một cuộc “chiến tranh hạn chế” trên tuyến biên giới phía Nam Trung Quốc để “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Chỉ thị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc nêu rõ, cuộc chiến tranh được hạn chế nghiêm ngặt trong vòng bán kính 50km từ đường biên giới chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ 17- 25/2, quân đội Trung Quốc dự tính sẽ phá vỡ tuyến phòng ngự đầu tiên của Việt Nam và đánh chiếm các TX Cao Bằng và Lào Cai, các thị trấn biên giới quan trọng là Cam Đường và Đồng Đăng, cửa ngõ ra vào Lạng Sơn.

Giai đoạn 2, từ 26/2- 5/3, lực lượng Trung Quốc ở Quảng Tây sẽ tập trung tấn công vào Lạng Sơn và các vùng phụ cận phía Tây, trong khi các cánh quân vu hồi ở Vân Nam sẽ giao chiến với sư đoàn quân Việt Nam ở vùng Tây Bắc Sa Pa, và Phong Thổ.

Trong giai đoạn cuối, từ 6- 16/3, quân Trung Quốc sẽ nỗ lực tiêu diệt nốt các lực lượng còn sót lại trong quá trình phá hủy hệ thống quân sự tại khu vực biên giới với Trung Quốc, trước khi hoàn thành việc rút quân vào ngày 16/3.

Như vậy, ngay từ đầu Trung Quốc đã không xác định lấy Thủ đô Hà Nội làm mục tiêu chính, mặc dù kể cả Đặng Tiểu Bình và các tướng tá Trung Quốc luôn miệng rêu rao là có thể đánh xuống Hà Nội trong vòng 1 tuần. Điều này cũng có thể xác thực qua việc Trung Quốc triển khai các mũi tấn công và cách đánh.

Sự thể hiện trên bản đồ giúp chúng ta thấy rõ là Trung Quốc dàn quân triển khai tấn công trên 2 mặt trận chính là Vân Nam, đánh sang 2 tỉnh Lai Châu, Lào Cai (lúc đó thuộc Hoàng Liên Sơn) và Quảng Tây đánh sang 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn (vừa tách từ tỉnh Cao Lạng cuối năm 1978).

(Còn tiếp)

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh