Cần nỗ lực rất lớn thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2014

07:10, 02/10/2014

Phát triển kinh tế- xã hội 3 tháng còn lại năm 2014 của tỉnh được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo dự báo, trong tổng số 24 chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong năm 2014, ước thực hiện cả năm chỉ có thể đạt 15 chỉ tiêu, các chỉ tiêu còn lại khó có thể đạt và đều rơi vào các lĩnh vực kinh tế.

Phát triển kinh tế- xã hội 3 tháng còn lại năm 2014 của tỉnh được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo dự báo, trong tổng số 24 chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong năm 2014, ước thực hiện cả năm chỉ có thể đạt 15 chỉ tiêu, các chỉ tiêu còn lại khó có thể đạt và đều rơi vào các lĩnh vực kinh tế.


Trồng các loại cây màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao đang được ngành nông nghiệp khuyến khích.

Kinh tế tiếp tục gặp khó

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ các sản phẩm chủ lực- nhất là gạo, thủy sản tiếp tục gặp khó, số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động nhiều, số nợ xấu tiếp tục tăng cao… khiến cho các chỉ tiêu nghị quyết ở lĩnh vực kinh tế khó đạt mục tiêu đề ra.

Báo cáo đánh giá của Tỉnh ủy trong 9 tháng đầu năm cho thấy, sản lượng trái cây giảm 2,3% so cùng kỳ do ảnh hưởng dịch bệnh.

Đến nay có 1.363ha nhãn bị đốn bỏ, 5.438ha nhãn nhiễm bệnh chổi rồng, chiếm trên 30%; 7.481ha cây có múi bị sâu đục trái với tỷ lệ 10- 15%. Thủy sản tiếp tục gặp khó do giá bán giảm, sản lượng 9 tháng đầu năm ước đạt 118.439 tấn, giảm 8,89% so cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long, tình trạng nợ xấu tiếp tục gia tăng. Tính đến tháng 9, nợ xấu tăng 1.190 tỷ đồng (tăng 602 tỷ đồng) chiếm 7,88% và tăng 3% so với đầu năm.

Nguyên nhân do các sản phẩm chủ lực của tỉnh không xuất khẩu được, nếu tình trạng này kéo dài nguy cơ nợ xấu tiếp tục còn tăng. Ngoài ra, việc phục hồi của các doanh nghiệp chậm, nợ của doanh nghiệp được cơ cấu trước đây chuyển thành nợ xấu, trong khi việc xử lý nợ xấu chậm (từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chỉ xử lý được 79 tỷ đồng).

Việc không xuất khẩu được cũng ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu. Tính đến tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 216 triệu USD, chỉ đạt 56,9% kế hoạch và giảm 19,5% so cùng kỳ do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và thủy sản giảm.

Việc huy động vốn đầu tư phát triển được dự báo không đạt chỉ tiêu mặc dù trong quý III có tăng so cùng kỳ (từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh huy động được 7.625 tỷ đồng, đạt 69,32% kế hoạch). Riêng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lũy kế đến nay chỉ mới đạt 59,68% kế hoạch (giảm 23% so cùng kỳ).

Nguyên nhân do một số công trình được bố trí vốn của ngành nông nghiệp, giáo dục, y tế… có tiến độ thực hiện chậm. Những khó khăn trên dự báo sẽ kéo theo tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) và sẽ khó đạt chỉ tiêu đề ra (Nghị quyết năm 2014 là 7%).

Ngoài ra, đối với chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, trong năm 2014, kế hoạch của tỉnh sẽ công nhận 9 xã. Hiện đã công nhận 4 xã và dự báo đến cuối năm sẽ khó đạt chỉ tiêu này.

Giải pháp nào tháo gỡ?

Nông nghiệp được xác định là thế mạnh của tỉnh, do vậy chỉ tiêu giá trị nông- lâm- ngư nghiệp đạt 2% năm 2014 được ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT xác nhận là có thể đạt nếu thực hiện quyết liệt các giải pháp của ngành đề ra.

Theo ông, đối với bệnh chổi rồng trên nhãn và chôm chôm, ngành vận động người dân thực hiện theo chủ trương chặt bỏ cây già cỗi, chữa trị cây còn khả năng phục hồi và đang đề nghị có chính sách hỗ trợ người dân.

Ngoài ra, ngành khuyến khích trồng các loại cây màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao (bắp, đậu nành…). Hiện Chính phủ có chính sách hỗ trợ giống chuyển từ đất lúa sang trồng màu (cho cây bắp, đậu nành, mè…) khoảng 2 triệu đồng/ha, ngành đang đề nghị tỉnh cho chủ trương tiếp tục thực hiện hỗ trợ trong năm 2015.


Nâng cao năng lực điều hành các hợp tác xã để họ chủ động tự tìm đầu ra sản phẩm có lợi nhất cho dân.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, đối với việc xuất khẩu, trong những tháng cuối năm có chiều hướng tốt, đặc biệt là xuất khẩu gạo ở các thị trường truyền thống (Indonesia, Malaysia, Philippines…) nếu cố gắng đến cuối năm có thể đạt 87%.

Ngoài ra, sở cũng đang thực hiện đề án kết nối cung cầu phát triển các vùng lúa gạo, trái cây để thực hiện tái cơ cấu cho nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết này cần có lộ trình, ít nhất từ năm 2015- 2016 mới đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả.

Ông Lê Quang Trung- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lạc quan cho rằng, việc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2014 7% là rất chính xác. Đối với các chỉ tiêu kinh tế dự báo khó đạt vẫn còn khả năng hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Theo ông, quan trọng là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, từ đó sẽ phát triển dịch vụ thương mại. Ngoài ra, cần tập trung phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, phát triển vườn cây ăn trái và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là về nguồn vốn, ông Nguyễn Trọng Nghiệp cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một số giải pháp như xem xét cơ cấu lại nợ để giúp doanh nghiệp có khả năng phát triển; điều chỉnh nợ cũ có lãi suất cao trên 15% về mức thấp dưới 13%; đẩy mạnh xử lý nợ xấu và có thể dùng quỹ dự phòng của các ngân hàng…

Trước những khó khăn trên, ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm; đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi.

Ngoài ra, trong tháng 10 này, UBND tỉnh tổ chức 2 đoàn đi làm việc với doanh nghiệp nhóm tốt và nhóm khó khăn để tìm hiểu và có giải pháp hỗ trợ.

Riêng việc xuất khẩu (chủ yếu là gạo, thủy sản) đang ở thế khó bởi vì không thể tiếp cận vốn ngân hàng do 2 nhóm này đang thuộc diện nợ xấu (hiện tổng dư nợ của nhóm này trên 1.000 tỷ đồng). Ông đề nghị, ngoài việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu, các ngân hàng xem xét lại trách nhiệm của cán bộ thẩm định.

Định hướng công tác thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy- Đặng Thị Ngọc Thịnh- nhận định là rất nặng nề, đặc biệt đối với những chỉ tiêu còn đạt thấp hoặc chưa đạt.

Do vậy, trước mắt cần tập trung đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó cần ưu tiên thực hiện trước các dự án về giống, khôi phục các vườn chuyên canh nhãn vừa bị đốn bỏ, nâng cao năng lực điều hành quản lý tổ chức sản xuất ở các hợp tác xã.

Đối với đề án này, có thể giúp các hợp tác xã chủ động tự tìm đầu ra và có những đề xuất cần Nhà nước hỗ trợ gì để có thể tiêu thụ sản phẩm có lợi nhất cho dân.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh