Trong không khí lịch sử của những ngày tháng 8 và đầu tháng 9, tuổi trẻ Vĩnh Long đã có chuyến về nguồn đầy ý nghĩa, viếng các di tích lịch sử. Tại những nơi này, những trang sử sống động, hào hùng của dân tộc như được tái hiện, chạm vào những cung bậc cảm xúc sâu lắng nhất, ngấm vào tận trái tim từng bạn trẻ.
Trong không khí lịch sử của những ngày tháng 8 và đầu tháng 9, tuổi trẻ Vĩnh Long đã có chuyến về nguồn đầy ý nghĩa, viếng các di tích lịch sử. Tại những nơi này, những trang sử sống động, hào hùng của dân tộc như được tái hiện, chạm vào những cung bậc cảm xúc sâu lắng nhất, ngấm vào tận trái tim từng bạn trẻ.
Lịch sử hào hùng và… giọt nước mắt đã rơi
8 ngày đường vượt hơn 1.600km nhưng các thành viên đoàn như không mệt bởi mỗi điểm đến là những trang sử vô cùng sống động được tái hiện. Dòng cảm xúc nghẹn ngào, giọt nước mắt đã rơi khi đoàn xem những thước phim tư liệu, nghe thuyết minh và tận mắt ngắm nhìn các hiện vật còn lại sau chiến tranh. Tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ xứng đáng cho thế hệ trẻ hôm nay cảm phục và tự soi mình.
Tại Thành cổ Quảng Trị- nơi diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm- mùa hè đỏ lửa năm 1972, hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân trên cả nước và đồng bào Quảng Trị đã chiến đấu anh dũng và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.
Các thành viên đoàn lặng người khi nghe giọng thuyết minh đầy xúc cảm của hướng dẫn viên Phạm Thị Thu Hiền: “Các anh hy sinh, có những anh hài cốt không còn nguyên hình hài… Di tích Thành cổ Quảng Trị được ví như một nghĩa trang không có một nấm mồ nào cho riêng ai, chỉ có một nấm mồ chung”.
Và, giọt nước mắt đã rơi khi cả đoàn nghe giới thiệu bức thư đầy dự cảm về cái chết tất yếu sẽ xảy ra của anh sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội- Lê Văn Huỳnh- gửi về cho gia đình và người vợ mới cưới 6 ngày.
Các đoàn viên xúc động khi nghe thuyết minh về các chiến sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.
Đoàn thắp hương lên mộ Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.
Tại Di tích Ngã ba Đồng Lộc, các thành viên đoàn nghe thuyết minh về các liệt sĩ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường. Cảm xúc như dâng đến cao trào khi đoàn nghe đến đoạn Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong đã đồng loạt hy sinh vào ngày 24/7/1968 ở độ tuổi đẹp nhất đời người- từ 17 đến 24 tuổi.
Những dòng thư Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi mẹ còn tươi nguyên, hố bom nơi các chị hy sinh còn đó, phía chân đồi kia chi chít những nấm mồ. Giọt nước mắt của bạn trẻ trong đoàn một lần nữa lại rơi…
Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn- nơi an nghỉ của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh thời kỳ chống Mỹ cứu nước, quy tụ 10.333 phần mộ liệt sĩ. Đoàn thật sự xúc động trước trùng trùng những mộ bia. Vậy mà, vẫn còn đó những người đã hy sinh nhưng người thân, gia đình… chưa tìm được hài cốt về an táng.
Anh Mai Thanh Hồ- chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh Đoàn nghẹn ngào: “Tui đi tìm mộ của người anh họ trước cũng tham gia chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường này nhưng không thấy. Bao nhiêu năm nay, người thân và gia đình mong anh ấy rất nhiều”.
Lê Hồng Phúc- đoàn viên thuộc đơn vị Công an tỉnh Vĩnh Long bộc bạch: “Tôi thật sự cảm động và tự hào trước sự hy sinh to lớn của các anh để bảo vệ từng mảnh đất quê hương. Sự hy sinh to lớn của các anh đáng để cho thế hệ hệ trẻ hôm nay kính cẩng nghiêng mình và noi theo”.
Chuyến về nguồn đầy ý nghĩa
Về nguồn nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng và Quốc khánh 2/9… đoàn đã đến viếng Nhà thờ Lý Tự Trọng- người đoàn viên thanh niên đầu tiên, Khu tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đầu tiên, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặc biệt, về thăm quê Bác.
Đoàn dâng hương tưởng nhớ đồng chí Lý Tự Trọng.
Tại Nhà thờ Lý Tự Trọng, đoàn thành kính dâng hương tưởng nhớ công ơn người anh hùng dân tộc, người đoàn viên TNCS đầu tiên đã dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta khi tuổi đời mới 17.
Đoàn dâng hoa lên bia tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đồng thời, đóng góp 20 triệu đồng xây dựng Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng. Đến viếng Khu tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đoàn thành kính dâng những đóa hoa tươi, dâng hương tưởng nhớ Đại tướng- nhà cộng sản kiên cường, nhà chính trị và quân sự lỗi lạc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến to lớn cho quê hương, đất nước. Đoàn cũng đã đóng góp 10 triệu đồng tu sửa tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đoàn xúc động khi nghe thuyết minh và tận mắt ngắm các vật dụng gắn liền với tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến thăm quê Bác vào một ngày mưa cuối tháng tháng 8, nhiều bạn trẻ cho biết, thật sự xúc động khi tận mắt ngắm nhìn căn nhà nhỏ đơn sơ- nơi sinh ra vị lãnh tụ thiên tài và tận mắt ngắm nhìn các vật dụng gắn liền với tuổi thơ và người thân của Bác.
Anh Huỳnh Hữu Tài- Bí thư Đoàn Trường cấp 2- 3 Phú Quới bộc bạch: “Dù đã được nghe, được học nhiều về Bác nhưng khi đến đây vẫn có nhiều bất ngờ. Càng thán phục hơn đức hy sinh, tình yêu nước ở những người thân và của chính Bác Hồ. Tôi cảm thấy mình như lớn hơn, trưởng thành hơn với những trải nghiệm của chuyến đi”.
Bí thư Huyện Đoàn Vũng Liêm Phan Thanh Xuyên nói: “Chuyến đi này thật sự ý nghĩa và mang tính giáo dục cao với những hình ảnh và tư liệu lịch sử sống động. Với vai trò là thủ lĩnh thanh niên huyện, tôi sẽ truyền đạt lại những ý nghĩa quan trọng này cho các đoàn viên thanh niên”.
Anh Ngô Hùng Nhân- Bí thư Huyện Đoàn Mang Thít cho biết: “Đây thật sự là một chuyến đi đầy ý nghĩa, đúng với tinh thần giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên. Vốn kiến thức thực tiễn qua chuyến về nguồn này là nguồn tư liệu quý để giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên. Mong rằng, đoàn viên thanh niên được tạo điều kiện cho những chuyến về nguồn như thế này trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Trung Kiên- Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long cho biết: Hành trình về nguồn lần này nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ Đoàn. Để từ đó, các cán bộ Đoàn tự ý thức hơn trong việc công tác, trau dồi đạo đức, lý tưởng để mỗi đồng chí là một tấm gương cho thanh thiếu niên noi theo. Bên cạnh, với hình thức giáo dục trực tiếp, mỗi cán bộ tham gia hành trình sẽ là một báo cáo viên, một tuyên truyền viên về các địa điểm, sự kiện đã trải nghiệm.
Qua hành trình về nguồn, đoàn cũng sẽ hình thành các tài liệu để triển khai đến các tổ chức Đoàn. Hướng tới, tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục phát huy loại hình giáo dục này để hàng năm tổ chức các đoàn đến các di tích, địa danh đi vào lịch sử của đất nước.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin