Nhờ làm tốt công tác thi đua Dân vận khéo thông qua mô hình “phát triển kinh tế phi nông nghiệp có hiệu quả”, Công đoàn cơ sở (CĐCS) xã Hòa Hiệp (Tam Bình) đã giúp cho trên 100 lao động tại tổ đan lục bình ấp Hòa Phong có thêm nguồn vốn dự trữ nguyên liệu, tạo việc làm quanh năm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nhờ làm tốt công tác thi đua Dân vận khéo thông qua mô hình “phát triển kinh tế phi nông nghiệp có hiệu quả”, Công đoàn cơ sở (CĐCS) xã Hòa Hiệp (Tam Bình) đã giúp cho trên 100 lao động tại tổ đan lục bình ấp Hòa Phong có thêm nguồn vốn dự trữ nguyên liệu, tạo việc làm quanh năm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tổ gia công đan lục bình của chị Yến (bìa phải) giúp cho công đoàn viên và người lao động nghèo nâng cao thu nhập.
Khéo từ cái khó
Đến ấp Hòa Phong sẽ thấy người dân tận dụng một phần mặt nước cặp các mé sông, kinh rạch, để trồng lục bình. Trong nhà, nhiều hộ tranh thủ ngoài thời gian công tác hay lúc nông nhàn cùng nhau ngồi đan lục bình với các loại khuôn, chậu, hộp có kích cỡ và hình dáng khác nhau.
Theo anh Nguyễn Văn Khiêm- Chủ tịch CĐCS xã, do đặc thù là xã thuần nông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên đa số cán bộ công chức, ngoài thời gian công tác, chủ yếu làm thêm nông nghiệp. Xác định phát triển kinh tế phi nông nghiệp là cần thiết nhằm giúp công đoàn viên (CĐV) và người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập.
Trong đó, đan lục bình là nghề sẵn có tại địa phương, song nghề này lại gặp nhiều thăng trầm, khó khăn về vốn, nguồn hàng, việc làm lúc có lúc không. Bên cạnh, nghề đan lục bình có khá nhiều mẫu mã, nhiều người chưa thành thạo với công việc nên thu nhập chưa cao, không có vốn mua nguyên liệu (lục bình- PV) dự trữ vào mùa mưa... Từ đó, phát sinh tâm lý chán nản, không mặn mà với công việc làm thêm này.
Trước tình hình đó, CĐCS xã đã giới thiệu chị Nguyễn Thị Yến- CĐV CĐCS xã, Tổ trưởng Tổ đan lục bình ấp Hòa Phong đến trao đổi trực tiếp với Liên đoàn Lao động huyện.
Để “gỡ rối” khó khăn cho tổ và giúp địa phương xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về thu nhập, từ tháng 8/2013, Liên đoàn Lao động huyện đã tham mưu với Ban Dân vận huyện, xin hỗ trợ mượn vốn không tính lãi (10 triệu đồng, từ nguồn quỹ tiết kiệm của các thành viên trong ban- PV) cho Tổ đan lục bình ấp Hòa Phong; đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức lớp dạy nghề đan lục bình cho CĐV và các hộ nghèo, cận nghèo.
Qua lớp học, đa phần đều vững tay nghề, lại có thêm đồng vốn để hỗ trợ cho tổ viên mượn để mua nguyên liệu dự trữ và trừ dần vào tiền gia công sản phẩm. Từ đó, nghề đan lục bình từng bước khởi sắc, giúp NLĐ có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Vừa đan chậu lục bình, chị Cao Thị Loan kể: “Từ khi có nghề này, cứ tranh thủ cơm nước, cho heo bò ăn xong, là tui ngồi vào đan. Những khi có đám tiệc thì... ăn xong tui cũng chạy riết về nhà làm, mỗi chậu tiền công 22.000đ. Mỗi ngày tui đan khoảng 3- 4 cái. Nhờ vậy có thêm tiền cho con đi học”.
Chăm lo cho người lao động
Thấy được hiệu quả của mô hình, nên mỗi hộ trong tổ đều có người tham gia, như hộ bà Trần Thị Gõ thì chồng vô xương, quấn miệng, đan đáy chậu, còn vợ lo đan phần hông chậu. Theo bà Gõ, “đã lớn tuổi, không đi làm gì được, nên ngồi đan lục bình là phù hợp nhất”. Nhờ vậy, mỗi tháng có thể kiếm thêm được hơn 1 triệu đồng.
Còn hộ chị Nguyễn Thị Yến thì có đến 5 thành viên tham gia. Chính vì vậy, những lúc bận công tác ở cơ quan thì đã có mẹ chị- bà Võ Thị Tám đứng ra phụ giúp để công việc của tổ luôn trôi chảy và giao hàng đúng hẹn.
Không những thế, từ nguồn quỹ đóng góp của tổ viên và tiền hoa hồng của tổ, vào dịp tết, gia đình chị Yến còn tổ chức liên hoan, khen thưởng cho những cá nhân tích cực. Từ đó, giúp NLĐ phấn khởi, làm việc có hiệu quả hơn.
Cùng với nghề đan lục bình, nhiều NLĐ còn mong muốn có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, như trường hợp của chị Võ Thị Mười, chồng làm thợ hồ, công việc lúc có lúc không. Hai người con đều đi làm mướn.
Bản thân chị, ngoài thời gian chăm sóc cha già còn trồng lục bình, phơi khô và gia công đan, mỗi ngày kiếm được khoảng 40.000đ. Chị tâm sự, tôi mong có thêm vốn để làm chuồng, nuôi heo, giúp gia đình cải thiện cuộc sống.
Theo chị Nguyễn Thị Yến, bước đầu, tổ vận động chị em tham gia góp vốn xoay vòng, mỗi người góp 100.000 đ/tháng, ưu tiên cho hộ khó khăn nhận vốn trước để mua nguyên liệu hoặc đầu tư thêm để chăn nuôi, mua bán nhỏ. Tuy nhiên, nguồn vốn xoay vòng mỗi đợt các chị nhận được chỉ 3 triệu đồng, nên chẳng thấm vào đâu. “Đợt sau, chúng tôi dự kiến sẽ thành lập tổ mới với mức đóng góp 500.000 đ/tháng”- chị nói.
Chị Nguyễn Thị Sương- Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện cho biết, nhận thấy nhu cầu vay vốn của CĐV và NLĐ là rất chính đáng, sắp tới, chúng tôi sẽ liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho NLĐ được vay vốn ưu đãi để đầu tư thêm sản xuất, chăn nuôi; đồng thời, phối hợp tìm đầu ra sản phẩm theo hướng có lợi cho NLĐ, giúp NLĐ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về thu nhập.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống Công đoàn huyện Tam Bình đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế địa phương, nhất là mô hình phát triển kinh tế phi nông nghiệp tại các xã Hoà Hiệp, Hậu Lộc, Bình Ninh, Ngãi Tứ đã giải quyết cho trên 3.000 lao động tăng thu nhập từ 1- 2 triệu đồng/người/tháng |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin