Phát huy sức mạnh hợp tác

10:08, 28/08/2014

Để hỗ trợ phụ nữ (PN) có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã xây dựng kế hoạch, vận động vốn từ các chương trình, dự án để thành lập đa dạng các tổ giúp nhau phát triển kinh tế, vận động chị em tham gia các tổ hợp tác sản xuất để có việc làm ổn định, điển hình như Tổ hợp tác PN may gia công của ấp Mỹ Tú (xã Mỹ


Tổ hợp tác may gia công được bố trí ngay tại khu vực gần nhà các chị nên thuận tiện cho việc chăm sóc gia đình.

Để hỗ trợ phụ nữ (PN) có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã xây dựng kế hoạch, vận động vốn từ các chương trình, dự án để thành lập đa dạng các tổ giúp nhau phát triển kinh tế, vận động chị em tham gia các tổ hợp tác sản xuất để có việc làm ổn định, điển hình như Tổ hợp tác PN may gia công của ấp Mỹ Tú (xã Mỹ Thuận- Bình Tân).

Thành lập tổ hợp tác PN may gia công

Đây là mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh tập trung khu vực nông thôn nhằm hỗ trợ PN chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nữ nông thôn, ổn định cuộc sống.

Thành lập năm 2013, xuất phát từ nhu cầu thực tế là một phần các chị PN trên địa bàn có nghề may, một số chị thì đã đi may công nghiệp cho các khu công nghiệp. Các chị may gia đình thì khách hàng không ổn định, không có hàng may thường xuyên, chưa tạo được uy tín, “thương hiệu” để duy trì phát triển nghề.

Còn các chị đi may công nghiệp thì phải đi làm xa, giờ giấc phải tuân thủ theo quy định, nên gặp khó khăn về vấn đề chăm sóc gia đình, nhất là con cái đang tuổi ăn tuổi lớn cần có người mẹ kề cận quan tâm chăm sóc. Vì thế việc thành lập một tổ hợp tác may gia công tại chỗ là cần thiết và được các chị ủng hộ.

Mô hình này phát huy được thế mạnh về hợp tác tập thể, có tổ chức, có sự phân công lao động, có tổ trưởng và Hội LHPN xã quản lý, tổ trưởng và các chị chịu trách nhiệm trong tổ sẽ đảm nhận phần tìm nguồn hàng về để các tổ viên may gia công, đặc biệt là các tổ viên đều được đào tạo và cấp chứng chỉ nghề may.

Hiện nay, tổ hợp tác có 36 thành viên, hàng tháng nhận gia công khoảng 4.800 sản phẩm các loại như quần áo, màn, giỏ xách, thu nhập các chị bình quân khoảng 1.800.000- 2.000.000 đ/tháng/chị. Bên cạnh nhận hàng may mặc kèm theo sản phẩm có kết cườm áo, từ đó, tổ mạnh dạn nhận và thu hút thành lập thêm tổ kết hạt cườm theo đơn hàng.

Chị Trần Thị Mộng- Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thuận cho biết, tổ hợp tác may gia công góp phần cùng địa phương đạt tiêu chí 12 về hình thức cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới.
 
Tổ được Trung ương Hội LHPN hỗ trợ mua 16 máy may công nghiệp và Hội LHPN tỉnh, huyện hỗ trợ nhiều mặt từ khâu tổ chức đến đào tạo nghề cho các chị, các tổ viên còn được hỗ trợ mỗi chị 10.000đ tiền cơm mỗi ngày, tạo điều kiện cho chị em có được việc làm tại chỗ ổn định và thuận tiện.

Giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nữ

“Hiệu quả là các chị làm việc có tổ chức hơn, không phải lo về nguồn hàng để may, tay nghề được nâng cao và có chứng nhận, tạo được uy tín hơn. Còn thuận lợi là các chị làm gần nhà, vừa tiện chăm sóc gia đình con cái, không phải tốn kém chi phí đi lại, đối với chị em PN thì việc gần gũi chăm sóc gia đình vẫn là quan trọng”- chị Huỳnh Thị Loan, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết.

Điển hình như chị Huỳnh Thị Tuyết Thu, chị thuộc hộ cận nghèo của ấp Mỹ Tú, nhưng từ khi tham gia vào tổ may chị có thêm thu nhập cho gia đình, mở thêm được một tiệm tạp hóa tại nhà, sắm sửa một số vật dụng cho gia đình, từ đó chị rất an tâm và hăng hái tham gia lao động tại
tổ may.

Chị Nguyễn Thúy Phượng (ấp Kinh Mới, xã Mỹ Thuận) trước đây đi làm ở Khu công nghiệp Hòa Phú, nhưng từ khi có tổ hợp tác, chị nghỉ việc ở công ty về làm tại đây. Chị chia sẻ:

“Tôi thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, được cái là làm gần nhà tiện chăm sóc 2 đứa con ăn học. Vả lại mình cũng không cần phải lo chuyện kiếm hàng may, chỉ cần ngồi gia công thôi lại được cho tiền cơm, khỏi tốn tiền đi lại, giờ giấc thì thoải mái và chủ động hơn khi đi làm cho công ty”.

Chị Loan cho biết thêm: “Hiện nay, ngoài hàng nhận gia công từ các công ty, trường học đến siêu thị, chị em còn tự hùn vốn với nhau mua vải về thiết kế cắt may theo yêu cầu của khách và dự định sẽ may hàng bỏ cho các chợ trong khu vực và các huyện khác.

Cái hay của việc hợp tác sản xuất là các chị cùng làm việc với nhau, ai làm sai hoặc chưa đẹp chỗ nào thì người khác nhìn thấy và nhắc nhở sửa chữa ngay, ngoài ra các chị còn có thể trò chuyện, chia sẻ với nhau về nghề và các vấn đề trong cuộc sống, tạo cho mấy chị niềm vui, sự hăng say trong công việc.
 
Vì thế hướng tới chúng tôi sẽ cố gắng tập trung củng cố nâng cao tay nghề cho các chị, tranh thủ tìm thêm nguồn hàng từ các nơi khác và tạo mối quan hệ tiêu thụ sản phẩm để duy trì tốt mô hình này”.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh