Kiên trung thời chiến, gương sáng thời bình

07:07, 22/07/2014

Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2014 vừa được tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam) để tôn vinh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2014 vừa được tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam) để tôn vinh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Dù ở cương vị nào của cuộc sống, họ đều là những cá nhân tiêu biểu, kiên trung thời chiến, gương sáng thời bình…

Một thời hoa lửa

Dường như đại biểu nào cũng muốn có mặt sớm bởi sự kiện này không đơn thuần là dịp để biểu dương, tôn vinh người có công, mà còn là cuộc hội ngộ đồng chí, đồng bào, đồng đội, để ôn lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa…

Các em thiếu nhi TP Hội An tặng hoa Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chúng tôi đã gặp được một số nhân chứng trong số hàng triệu người có công một thời hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Ông Vũ Xuân Túy, thương binh hạng 4/4 ở xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm rực lửa tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và tham gia chiến trường Tây Nguyên.

Trong trận chốt giữ cao điểm 262 (Kon Tum) ông bị thương, máu ra nhiều, nhưng vẫn kiên cường bám trụ. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công và Huân chương Giải phóng hạng ba.

Đó là thương binh Lê Anh Tuấn, sinh năm 1945 tại Cẩm Châu, TP Hội An (Quảng Nam ). Năm 19 tuổi, Lê Anh Tuấn tham gia hoạt động cách mạng, rồi trở thành Trưởng ban An ninh thị xã Hội An.

Trong một lần về xã Cẩm Hà nắm tình hình để chuẩn bị đánh chi khu tập trung, bị địch khui hầm bí mật, ông đã dùng lựu đạn tiêu diệt địch, bị chúng bắn trọng thương và bị bắt giam tại nhà lao Hội An. Tuy bọn địch dùng nhục hình tra tấn dã man và thủ đoạn mua chuộc, song ông vẫn giữ vững khí tiết của người cán bộ cách mạng.

Đại tá Phạm Xuân Thiện, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam (thương binh hạng 4/4), là con trai liệt sĩ Phạm Lương-người du kích kiên trung đã anh dũng hy sinh năm 1965 tại quê nhà Điện Hòa, Điện Bàn (Quảng Nam).
 
Noi gương cha mình, năm 1978, Phạm Xuân Thiện tình nguyện đi bộ đội, rồi tham gia chiến trường Cam-pu-chia. Trong trận đánh cao điểm 581 ở Prếch Vi-hia, anh bị thương vào tay và chân song vẫn chịu đựng, bình tĩnh chỉ huy đơn vị đánh địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Có thể nói, tất cả 185 tấm gương có mặt tại hội nghị, đại diện cho 8,8 triệu đối tượng người có công đều là những đóa hoa tươi thắm. Họ không chỉ kiên trung trong thời chiến, mà còn là những gương sáng thời bình. Dù ở đâu và cương vị nào của cuộc sống, họ đều phát huy tốt phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tỏa sáng giữa đời thường

Tại hội nghị, các đại biểu được gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ chân thành của nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.

Họ là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng với nghị lực phi thường đã phấn đấu ổn định cuộc sống, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.

Đó là Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 Công an TP Hà Nội, người được vinh danh “Công dân ưu tú của thủ đô Hà Nội năm 2012”. Anh vốn được biết đến là người đã từng cứu và khuyên bảo thành công rất nhiều người có ý định lên cầu Chương Dương gieo mình xuống sông Hồng tự tử.

Anh là một thương binh nặng, di chứng sau lần dũng cảm bắt cướp trong một đêm mưa năm 1995. Gần 20 năm tận tụy bám chốt, tổ chức phân luồng giao thông trên đầu phía nam cầu Chương Dương, cũng từng ấy thời gian, biết bao mạng người được anh cứu sống.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trao đổi cùng các đại biểu.

Trao Bằng khen cho những đại biểu có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Thương binh Vũ Xuân Túy trở về quê hương khi trên mình mang đầy thương tích. Kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, phải lăn lộn, bươn chải trong cuộc sống, ông nhận làm đại lý thu mua bao manh đan bằng cói bán cho các công ty xuất nhập khẩu, công ty muối.
 
Trong bối cảnh kinh tế thị trường khó khăn, ông cùng gia đình phải đi khắp nơi, tìm hiểu để tạo ra nhiều mẫu mới cho sản phẩm truyền thống của gia đình. Đến nay, doanh nghiệp của ông đã đứng vững trên thị trường, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 800 bà con nhân dân địa phương.
 
Hằng năm, gia đình ông giúp đỡ và ủng hộ các đối tượng chính sách hơn 80 triệu đồng; dạy nghề miễn phí và hỗ trợ cho hàng chục cháu khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Thương binh hạng 4/4 Lê Ngọc Vinh cư trú tại khối 12, phường Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An) là người kiên trì vượt lên thương tật để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết công ăn, việc làm cho nhiều con em đồng đội.

Với tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, ông đã tự bỏ tiền túi ra xây hai căn nhà tình thương, thăm hỏi tặng quà các hộ nghèo; vận động xây một căn nhà và hỗ trợ xây một căn nhà cho hai hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo; tài trợ xây dựng khối phố như đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình công cộng khác…

Thương binh Lê Anh Tuấn ở Cẩm Châu (Hội An, Quảng Nam ) bị thương mất một chân, một mắt, rời quân ngũ trong điều kiện sức khỏe yếu, lại phải nuôi hai con nhỏ dại, vợ và mẹ già thường xuyên đau ốm.

Trước khó khăn, thử thách, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” lại trở thành động lực cho ông vươn lên. Thấy nhiều hộ gia đình ở quê nuôi tôm, trong khi nguồn thức ăn khan hiếm, ông xin chính quyền cấp giấy phép sản xuất thức ăn nuôi tôm với số vốn ít ỏi ban đầu.

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đến nay, gia đình ông đã có hàng trăm khách hàng thường xuyên. Doanh số bán hàng đạt hơn tỷ đồng/năm.

Để giúp các gia đình chính sách còn khó khăn, ông hỗ trợ bằng cách không nhận tiền ngay mà chờ khi thu hoạch xong mới thanh toán. Ông còn đầu tư nguồn vốn và tận tình hướng dẫn một số hộ phát triển nuôi trồng thủy sản.

Với cương vị tổ trưởng tổ dân phố, dù đôi chân không còn lành lặn, ông vẫn đến từng nhà hòa giải mâu thuẫn các hộ, hay vận động quyên góp giúp đỡ những trường hợp bệnh tật ở địa phương.

Đó là Đại tá Ngô Bình Minh, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 1 (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển), là thương binh hạng 4/4.

Trong suốt hai tháng qua, anh là một trong những người chỉ huy trực tiếp tham gia đấu tranh, tuyên truyền trên thực địa, tham mưu đề xuất cho lãnh đạo những đối sách trên biển, những giải pháp hiệu quả, cùng đồng đội kiên cường bám trụ trên biển đấu tranh đòi Trung Quốc chấm dứt việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Có thể nói, chiến công của những người con ưu tú năm xưa và thành tích của những tấm gương tiêu biểu hôm nay thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh