Làm gương từ những việc nhỏ

09:07, 25/07/2014

Học tập và làm theo gương Bác từ những việc nhỏ, gần gũi với công việc và cuộc sống, bản thân phải làm gương trước… là những chia sẻ của anh Đỗ Công Danh- Phó Phòng Kiến trúc quy hoạch (Sở Xây dựng Vĩnh Long) và anh Nguyễn Văn Chạy- Bí thư Đoàn Trường Đại học Cửu Long. Cả hai đều là cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo gương Bác từ những việc nhỏ, gần gũi với công việc và cuộc sống, bản thân phải làm gương trước… là những chia sẻ của anh Đỗ Công Danh- Phó Phòng Kiến trúc quy hoạch (Sở Xây dựng Vĩnh Long) và anh Nguyễn Văn Chạy- Bí thư Đoàn Trường Đại học Cửu Long. Cả hai đều là cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Đỗ Công Danh- Phó Phòng Kiến trúc quy hoạch- Sở Xây dựng Vĩnh Long

“Bác Hồ là tấm gương vĩ đại, có lối sống giản dị, ai cũng cần học theo. Nhưng học và áp dụng thế nào để đem lại hiệu quả cao trong công việc là điều tôi luôn suy nghĩ. Sinh thời, Bác Hồ từng nhắc đi nhắc lại: Người cán bộ cách mạng cần rèn giũa các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính. Tôi rất tâm đắc và quyết làm theo”- anh Danh chia sẻ.

Vì vậy, anh luôn tận tụy và hết lòng vì công việc. Được điều chuyển công tác từ Phòng Quản lý xây dựng sang Phòng Kiến trúc quy hoạch từ tháng 8/2013, công việc có nhiều mới lạ.

Vì thế, bên cạnh hướng dẫn từ cấp trên, học hỏi từ đồng nghiệp, anh tự nghiên cứu tài liệu để nâng cao kiến thức chuyên môn. Thời gian qua, ngoài tham gia thẩm định các đồ án quy hoạch, anh còn lập đề cương quy định quản lý xây dựng, kiến trúc, quy hoạch nông thôn mới.

Qua đó, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí số 1 về quy hoạch. Anh cười: “Việc gì khó mà mình siêng năng, cần cù, quyết tâm thì sẽ làm được”.

Để tiết kiệm chi phí cho đơn vị, anh vận động đồng nghiệp sử dụng tiết kiệm văn phòng phẩm, tiết kiệm điện. Theo đó, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên (chỉ mở đèn tối trời), không mở máy lạnh vào buổi sáng và tắt lúc 16 giờ chiều.
 
Tận dụng giấy in cả 2 mặt để in ấn các văn bản trình ký, khi nào hoàn thiện mới in ra. “Trước tôi để giấy in một mặt trong hộc bàn, anh em nào cần thì đưa ra. Giờ quen rồi, ai cũng có hộc bàn đựng giấy đã sử dụng một mặt riêng”.

Bên cạnh, anh còn đề xuất chi đoàn gửi mail trực tiếp cho từng đoàn viên thay cho thư mời để vừa tiết kiệm giấy vừa tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước. Sáng mát trời đạp xe đi làm, anh cười tươi: “Đi xe đạp vừa tiết kiệm xăng, vừa bảo vệ môi trường, lại tốt cho sức khỏe. Tất nhiên, chỉ đi khi không bận công tác gấp, trời không mưa”.

Về giờ giấc làm việc, anh làm phép tính nhỏ: mỗi cán bộ công chức trễ 10 phút/ngày thì mất 210 giờ/năm, tương đương 26 ngày làm việc. Vậy là “đánh cắp giờ công, ảnh hưởng đến việc chung”. Vì vậy, bản thân anh luôn chấp hành nghiêm giờ giấc.

Theo anh, luôn trung thực với cấp trên, chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc; thẳng thắn, chân tình góp ý đồng nghiệp cùng tiến bộ; có sai thì sẵn sàng nhận sai và sửa chữa. Đó là biểu hiện của công chính, liêm minh. Và nhất là, “trong mọi vấn đề, muốn người khác làm theo, mình phải làm gương trước đã”- anh đúc kết.

Anh Nguyễn Văn Chạy- Bí thư Đoàn Trường Đại học Cửu Long

“Bác là tấm gương sống bình dị mà cao quý. Tôi học và làm theo Bác bằng cả trái tim kính yêu và lòng biết ơn vô hạn….”.

Đó là chia sẻ chân tình của anh Chạy. Đối với anh, học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là suốt đời. Vì thế, với vai trò là thủ lĩnh Đoàn trường, anh luôn hòa đồng, chia sẻ với sinh viên, việc có ích cho sinh viên thì khó khăn cỡ nào cũng thực hiện”.


Ảnh: Nhân vật cung cấp, người đứng

Gia đình khó khăn nên khi trúng tuyển vào Trường Đại học Cửu Long, bên cạnh niềm vui là nỗi trăn trở chi phí học hành. Với chiếc xe đạp cà tàng, ngoài giờ học, anh đạp xe hàng chục cây số qua Khu du lịch Vinh Sang (xã An Bình- Long Hồ) làm thêm. Cuối tuần lại cọc cạch về quê “cõng” gạo.

Là Bí thư Đoàn trường, anh luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của sinh viên. Lúc khó khăn, “giúp nhau vài ký gạo vậy mà quý”.

Vì vậy, anh rất thấu hiểu hoàn cảnh của sinh viên nghèo, nhất là các tân sinh viên mới nhập học. Có trường hợp sinh viên ở tỉnh xa, người thân chuyển tiền vào tài khoản anh, nhờ quản lý chi tiêu cho con em giúp. Có lẽ vậy mà sinh viên gọi thân mật là “anh Chạy”, có lẽ gọi “thầy Chạy” nghe kỳ nên các bạn “cữ” vậy thôi”- anh hóm hỉnh.

2 năm qua, anh đã hướng dẫn 1.000 chỗ trọ cho sinh viên, vận động trao 30 suất học bổng (500.000 đ/suất) cho sinh viên vượt khó…
 
Bên cạnh, để giáo dục tinh thần vì cộng đồng, kỹ năng thực tế cho sinh viên, anh đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà các cụ già neo đơn, dạy học cho trẻ em mồ côi, nhận đỡ đầu học sinh nghèo, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với tổng phúc lợi xã hội trên 200 triệu đồng…

Theo anh, học tập làm theo gương Bác cần bắt đầu từ những việc nhỏ, gần gũi với bản thân và nêu gương trước. “Học theo Bác đã cho tôi nhiều bài học quý. Trong đó, niềm vui lớn là được lãnh đạo, đồng nghiệp tin tưởng, sinh viên quý mến. Đó là động lực để tôi hăng say phấn đấu”- anh Chạy nói.

CHI ĐOÀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh