Thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

07:06, 10/06/2013

Tiếp tục nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 6/6, ĐBQH tham gia họp tại các tổ đại biểu để thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Tiếp tục nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, chiều ngày 6/6, ĐBQH tham gia họp tại các tổ đại biểu để thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Tham gia họp tổ số 11, có các vị ĐBQH của 4 đơn vị: Vĩnh Long, Long An, Bình Định và Bắc Giang. Hầu hết các ĐBQH đều thống nhất với chủ trương sửa đổi 2 luật trên.

1. Đối với Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), ĐBQH thống nhất cao với lý do sửa đổi Luật:

Một là, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là gia tăng các cơ chế, biện pháp thực hành tiết kiệm, xác định rõ hành vi vi phạm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang là vấn nạn hiện nay.

Hai là, hoàn thiện cơ chế phát hiện và đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm toán nội bộ, kiểm soát chi trong các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ba là, từ thực tế khách quan, trong thời gian qua nhiều pháp luật có liên quan đến các qui định Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, đặc biệt là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIII thông qua có hiệu lực từ 1/2/2013 đòi hỏi phải sửa đổi các qui định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Một số đại biểu cho rằng: để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự đi vào cuộc sống thì cần xây dựng đồng bộ với các luật Qui hoạch, Đầu tư công, Xây dựng, Đấu thầu; có đại biểu cho rằng một số điểm bổ sung trong luật mới có tính khả thi, tuy nhiên còn một số điều của luật của đã mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện nhưng luật điều chỉnh lại lược bỏ (như 9 điểm trong kiểm tra thực hiện tiết kiệm trong đầu tư). Đề nghị ban soạn thảo giải thích rõ việc bỏ các qui định trên.

Đa số đại biểu có ý kiến tập trung cho các điều sau:

Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh”, đại biểu cho rằng qui định như thế là chưa đủ, cần bổ sung “thực hành tiết kiệm trong các cơ quan Đảng và Nhà nước”; “thực hành tiết kiệm trong sử dụng nguồn lực con người”; đại biểu còn băn khoăn với qui định tại khoản 3 “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân” là không cần thiết vì đối với các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước thường thì họ luôn có ý thức trong thực hành tiết kiệm.

Điều 4 “Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Khoản 4, đại biểu đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Đại biểu Phương Thuỵ (đơn vị Bình Định) cho rằng không cần qui định về “Khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm” tại chương IV củal vì đã có các luật “Khiếu nại, tố cáo; Thi đua, khen thưởng” qui định cụ thể rồi.

2. Đối với Luật Đấu thầu (sửa đổi): đa số đại biểu thống nhất với quan điểm: Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước là do những hạn chế của hệ thống pháp luật về đấu thầu, cụ thể như sau:

Một là, các qui định về đấu thầu còn tản mạn, thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Hiện nay lĩnh vực đấu thầu đang được chia nhỏ, quản lý không tập trung do được qui định rãi rác trong nhiều văn bản qui phạm pháp luật khác nhau gây nên tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hai là, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2005 còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của quản lý nhiều hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước đã phát sinh trong thời gian qua.

Ba là, việc phân cấp trong hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản cho cơ quan nhà nước chưa được qui định cụ thể như đối với dự án đầu tư; thủ tục trình duyệt chưa được tinh giản làm mất nhiều thời gian tổ chức hoạt động đấu thầu.

Bốn là, việc đánh giá hồ sơ dự thầu theo phương pháp giá đánh giá thấp nhất qui định tại Luật Đấu thầu năm 2005 là phương pháp tiên tiến, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng chưa tính đến điều kiện cụ thể của Việt Nam nên trong một số trường hợp khó áp dụng. Vì vậy, cần bổ sung thêm các phương pháp đánh giá mới để tạo chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có qui mô, tính chất khác nhau.

Năm là, cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu chưa được qui định cụ thể, chặt chẽ.

Sáu là, hệ thống dữ liệu về đấu thầu còn nghèo nàn, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trong quá trình theo dõi, quản lý hoạt động đấu thầu cũng như xây dựng chính sách đấu thầu, đồng thời không tạo điều kiện để minh bạch hóa thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện chủ trương phân cấp mạnh và hướng đến thực hiện thủ tục đấu thầu qua mạng.

Bảy là, đáp ứng yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Hầu hết đại biểu đều thống nhất với tên gọi “Luật Đấu thầu (sửa đổi)”.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Đấu thầu hiện hành, bổ sung các hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi thực hiện mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước hiện chưa được điều chỉnh hoặc đã có qui định nhưng ở nhiều luật và văn bản dưới luật.

- Đối với các hoạt động đấu thầu qui định tại khoản 4: đa số ý kiến tán thành việc áp dụng các qui định pháp luật riêng đối với các lĩnh vực có yếu tố đặc thù; đồng thời, đề nghị rà soát tổng thể tất cả các trường hợp cần thực hiện đấu thầu theo qui định riêng như mua thuốc tại các cơ sở y tế; tìm kiếm, thăm dò và khai thác khoáng sản; mua sắm hàng hóa, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP.

Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 13), đại biểu đề nghị bổ sung “nghiêm cấm nhà đầu tư làm hồ sơ thầu trái với qui định của nhà nước”.

Về chỉ định thầu (Điều 17): đại biểu đề nghị cần có những qui định chặt chẽ đối với người chỉ định thầu.

Về các hành vi bị cấm trong quá trình lựa chọn nhà thầu (Điều 32), theo đại biểu tại khoản 6 qui định “cấm nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp” là không hợp lý vì yêu cầu về nhãn mác, xuất xứ hàng quá là điểm quyết định đến chất lượng khi sử dụng.

Về hình thức giá hợp đồng trọn gói (Điều 69), theo đại biểu ở khoản 2 qui định “hình thức giá hợp đồng trọn gói được áp dụng trong trường hợp gói thầu thông thường, đơn giản, đã được xác định chính xác về số lượng, khối lượng, thời gian thực hiện hợp đồng ngắn” là chưa phù hợp vì đối với những hợp đồng về xây dựng; về trang thiết bị … không được áp dụng thì rất khó cho nhà đầu tư.

Về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại tòa, đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của những người đứng tên kiến nghị nhằm tránh những trường hợp kiến nghị với mục đích gây khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện.

MỸ HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh