Đây là nội dung được Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi được chất vấn về bài học nào là tâm đắc sâu sắc đắt giá nhất cả thành công và chưa thành công trong phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Đây là nội dung được Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi được chất vấn về bài học nào là tâm đắc sâu sắc đắt giá nhất cả thành công và chưa thành công trong phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Quốc hội đã dành cả buổi chiều ngày 14-6 để chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đã có 14 ý kiến trao đi đổi lại và cũng có tranh luận về những ý kiến đặt ra. Phần trả lời của Phó thủ tướng đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chấm là “trả lời rất cặn kẽ, thẳng thắn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh từ "rất".
Không được phát triển nóng, thiếu bền vững
Mở đầu phiên chất vấn với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết những chủ trương và giải pháp cụ thể, chủ yếu của Chính phủ để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhằm đạt hoặc vượt tốc độ tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn như hiện nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Từ quan điểm tăng trưởng cao mà lạm phát cao thì không có ý nghĩa, Phó thủ tướng cho rằng, chúng ta cần thực hiện chủ trương nhất quán mà Quốc hội đặt ra là tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, đảm bảo an ninh xã hội, giữ vững toàn vẹn Tổ quốc... Chính vì vậy, chúng ta không được phát triển nóng, thiếu bền vững.
Trên tinh thần như vậy, Phó thủ tướng chỉ ra một số giải pháp đảm bảo tăng trưởng năm 2013, gồm: Chính phủ tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà Chính phủ đã nêu; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 02, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức kinh doanh, tạo điều kiện cho tổ chức kinh doanh phát triển; đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, điều chỉnh vốn dự án công trình chậm sang công trình có điều kiện hoàn thành; kết hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Để giải quyết căn cơ tình trạng tăng trưởng không bền vững hiện nay cần tái cấu trúc lại nền kinh tế. Tuy nhiên, thực hiện đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế trong đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra rất chậm. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) chất vấn Phó thủ tướng về giải pháp đột phá trước tình trạng này.
Phó thủ tướng trả lời: Trước hết là giải pháp về tái đầu tư công. Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành thể chế để thực hiện việc này tốt hơn. Đó là ban hành nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn, tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương, không còn bị động như trước đây. Thứ hai là tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thì thực hiện theo lộ trình của đề án tái cơ cấu tín dụng, các phương án đã được duyệt.
Trong đó tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tiết kiệm chi phí, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra trong hệ thống tín dụng. Đối với doanh nghiệp Nhà nước thì đẩy mạnh cổ phần hóa, hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là tập đoàn, tổng công ty.
Chính phủ, các ngành, các địa phương phải chịu trách nhiệm đôn đốc, để chống sự chậm trễ, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu kinh tế mà trước hết là tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước.
Tái cơ cấu Vinashin, Vinalines làm quyết liệt, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm
Cũng đề cập đến tái cơ cấu, đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đặt vấn đề tái cơ cấu Vinashin, Vinalines? hiệu quả tái cơ cấu các doanh nghiệp này đã đạt được mức nào? cho đến nay lộ trình tái cơ cấu đề ra có đảm bảo hay không?
Phó thủ tướng thẳng thắn: Có thể nói hiện nay, tình hình Vinashin còn lỗ rất nặng. Với điều kiện khách quan và chủ quan như, kết quả tái cơ cấu còn chậm và còn nhiều khó khăn, thách thức.
Cho nên các chỉ đạo được thực hiện trên tinh thần thực hiện tái cơ cấu, hy sinh một cách cơ bản, toàn diện, triệt để, theo hướng kết hợp giữa tái cơ cấu và giải thể, phá sản. Thực hiên tái cơ cấu với tinh thần phải làm quyết liệt, quyết tâm cao, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Về Vinalines cũng đang tái cơ cấu rất mạnh. Năm 2012, doanh thu là 2.120 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 674 tỷ đồng. Năm 2013, đã thoái vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp, hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; đã hoàn thành phương án tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu nợ; đã bán được một số tầu cũ không hiệu quả; bố trí lại nhân sự; đặc biệt là đã trình Chính phủ ban hành được điều lệ hoạt động, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát nội bộ.
“Như vậy, những công việc của Vinalines mạnh mẽ hơn, có xu hướng phục hồi nhanh hơn nhưng hiện nay vẫn còn lỗ, vẫn còn khó khăn về thị trường nhưng chúng tôi nghĩ rằng sẽ vượt qua” Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng
Phó thủ tướng thừa nhận, một số hạn chế như một số đại biểu đã nêu, đó là chưa đạt yêu cầu, mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn xảy ra nghiêm trọng, có biểu hiện tinh vi, phức tạp, nhất là ở một số cấp, ngành, gây bức xúc cho nhân dân. Công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống tham nhũng rất quan trọng, nhưng vẫn chưa được làm tốt…
Lần thứ hai đứng lên chất vấn, đại biểu Lê Như Tiến đặt câu hỏi trực tiếp: “Từ khi nhận trọng trách này, Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo, xử lý đưa ra ánh sáng bao nhiêu vụ tham nhũng điển hình? giải quyết dứt điểm bao nhiêu vụ khiếu nại, tố cáo của công dân tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đông người, vượt cấp và bài học nào là tâm đắc, sâu sắc, đắt giá nhất cả thành công và chưa thành công mà Phó Thủ tướng rút ra từ quá trình chỉ đạo các vụ việc nóng, nhạy cảm và phức tạp”.
Phó thủ tướng cho biết, ông được Thủ tướng giao cho một số lĩnh vực trong công tác nội chính và một số lĩnh vực khác.
Về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, trước đây (trước năm 2011, Thủ tướng là Trưởng ban phòng chống tham nhũng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là là Phó trưởng ban) đã tiến hành chỉ đạo rất quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng. Chủ yếu là xây dựng thể chế, đôn đốc kiểm tra và cũng đã xử lý được một số vụ việc nổi cộm một cách cương quyết, đúng pháp luật.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó thủ tướng cho biết: Thời gian qua công tác này có những tiến bộ rất đáng mừng, “tôi cùng với đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này ở các ngành, các địa phương”, đã giảm được số lượng đơn thư, tố cáo.
Nhưng vẫn còn một tồn tại là số vụ khiếu nại đông người tăng lên, trong đó khiếu nại đất đai chiếm 78%. Từ những con số, dẫn chứng cụ thể, Phó thủ tướng khẳng định, phòng, chống tham nhũng hay lĩnh vực giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tương đối rõ nét trong thời gian qua.
Trả lời về bài học gì trong công tác này, Phó thủ tướng bảy tỏ: “Bài học ở đây chính là bài học tâm huyết, trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước những vấn đề mình quyết định, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng những vấn đề mình được phân công”.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin