Chuyện thường ngày Võ Văn Kiệt

10:06, 13/06/2013

16 tuổi tham gia kháng chiến, bước chân “vạn dặm” của đồng chí Võ Văn Kiệt có ở khắp Nam- Trung- Bắc. Giữ nhiều trọng trách quan trọng của đất nước, khi về hưu, với cương vị cố vấn Bộ Chính trị, đồng chí vẫn năng nổ hoạt động đầy sức trẻ.


Đồng chí Võ Văn Kiệt ở Đất Mũi Cà Mau năm 2005 (Ảnh: TL)

16 tuổi tham gia kháng chiến, bước chân “vạn dặm” của đồng chí Võ Văn Kiệt có ở khắp Nam- Trung- Bắc. Giữ nhiều trọng trách quan trọng của đất nước, khi về hưu, với cương vị cố vấn Bộ Chính trị, đồng chí vẫn năng nổ hoạt động đầy sức trẻ.

Không kể những ngày hội họp, ngày thực tế ở cơ sở, trong 40 tháng làm cố vấn (1/1988- 4/2001), đồng chí còn có nhiều bức thư công tác trao đổi góp ý, khen ngợi, khích lệ trước tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh- từ những việc tầm cỡ đến việc nhỏ nhưng có ý nghĩa.

Đọc xuyên suốt 288 “bức thư công tác(1)” của đồng chí, mới thấy khâm phục tinh thần trách nhiệm đối với công việc của đồng chí- một người lớn tuổi nhưng tâm hồn đầy sức trẻ, thực tế và chân tình, hễ còn hơi thở là còn trọng trách của đảng viên, của một công dân đối với đất nước. Bình quân 4 ngày có một bức thư, thực tế có ngày 4 bức thư, có ngày 2 bức.

Tôi không nói những bức thư đóng góp bày tỏ những vấn đề lớn của Nhà nước, của Đảng, chỉ nêu một số bức thư ngắn gọn như chuyện thường ngày nhưng đồng chí rất quan tâm.

Đó là chuyện vào mùa nước nổi, trẻ em hay bị chết hụt, nhất là dịp nghỉ hè. Theo dõi qua những trang báo đưa tin, đồng chí đau xót trước cảnh mất mát thương tâm không gì bù đắp được.

Đồng chí gởi thư công tác đến thủ lĩnh các cơ quan chức năng nhắc nhở chăm lo, việc bảo vệ, chăm sóc giáo dục các cháu; gợi ý cho “nhà trường, cơ quan ngành thể dục thể thao nghiên cứu có chương trình học để dạy các cháu biết bơi (lội) hạn chế thấp nhứt những trường hợp đáng tiếc xảy ra(2)”. Sau đó, đồng chí đi thực tế thăm hỏi nhiều nơi đã thực hiện để làm cơ sở động viên nơi khác làm theo.

Một bức thư công tác khác gởi cho Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương(3), đồng chí bày tỏ: “Tôi hết sức cảm phục sự xả thân đầy nhân nghĩa của các nữ tu trong các trại phong (cùi) như trại Tuy Hòa (Quy Nhơn) Bến Sắn (TP Hồ Chí Minh). Nhiều nữ tu phục vụ gần như trọn đời trong các trại chỉ với một đức tin và tấm lòng từ thiện, không hề đòi hỏi quyền lợi gì cho riêng mình”.

Ở một đoạn kế tiếp, đồng chí viết: “Tôi có ghé trại phong ở Lâm Đồng hỏi một nữ tu nếu sau nầy hết bệnh phong (cùi) thì nguyện vọng các cô phục vụ ở đâu? Được trả lời: Muốn phục vụ các cơ sở chăm sóc bịnh nhân bịnh AIDS!”

Theo đồng chí Võ Văn Kiệt, những người như vậy thật đáng quý và chắc cũng không nhiều lắm, nên đề nghị cụ thể: “Tổ chức các cơ sở y tế tạo điều kiện để các nữ tu tham gia chăm sóc người mắc bệnh thế kỷ nầy. Nên có chính sách khen thưởng, tuyên dương công trạng của họ có tác dụng động viên khuyến khích cả xã hội, đề cao đạo đức sống “mình vì mọi người””.

Đồng chí rất mến mộ và quý trọng báo chí, coi báo chí là gạch nối giữa lãnh đạo với quần chúng. Thông qua chuyện của cháu Ngô Văn Xuyên(4), đồng chí viết về bài “Một công dân không có quốc tịch” đăng trên Báo Thanh niên.

“Khi đọc bài báo nầy, tôi rất bức xúc trước những khó khăn thực tế của cháu, một thanh niên đã sống và lớn lên tại địa phương. Với cương vị của mình, tôi có lời cám ơn Báo Thanh niên phản ánh kịp thời. Cám ơn gia đình nuôi dạy cháu Xuyên trưởng thành và tôi đã đề nghị chính quyền TP Hồ Chí Minh thẩm tra thủ tục cấp hộ tịch cho cháu, tạo điều kiện cho cháu có công ăn việc làm ổn định”.

 “Với đồng chí Võ Văn Kiệt, thái độ, trách nhiệm, tình cảm, mối quan hệ đối với công việc cũng như tình đồng chí, bạn bè luôn được trân trọng và tràn đầy tình cảm”.
Sau đó, nhờ có được hộ khẩu, Ngô Văn Xuyên kết hôn với Hoàng Thị Bích Thảo. Ngày tân hôn của họ, đồng chí có lời chúc :

“Không dự lễ cưới hai cháu, tôi gởi tới hai cháu lời chúc hạnh phúc, luôn là rể hiền, dâu thảo, xứng đáng với sự chăm sóc dưỡng dục của gia đình và mong các cháu siêng năng lao động, học tập giúp ích cho xã hội”.

Tỉnh Ninh Bình tổ chức trọng thể lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Thói thường bận việc thì nhờ thư ký riêng báo tin không dự được. Thế nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt tự tay mình viết bức thư hồi âm đầy tình nghĩa.

Sau khi nêu lý do rất tiếc việc vắng mặt, đồng chí viết: “Tôi luôn giữ tình cảm đặc biệt với Ninh Bình- quê hương của đồng chí Tạ Uyên- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long quê tôi, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ năm 1940, người đã kết nạp tôi vào Đảng. Trong kháng chiến, có thời gian tôi cũng đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, là tỉnh kết nghĩa với tỉnh Ninh Bình”(5).

Chỉ đoạn thư ngắn nhưng hàm chứa những mối quan hệ sâu nặng, về lịch sử cũng như về tình cảm trong kháng chiến hết lòng chi viện cho nhau không hề tiếc máu xương.

Thói thường, người ta hay nghĩ đến chuyện lớn lao, ít nghĩ đến chuyện nhỏ, hoặc một lời phán ra nhưng không nắm được kết quả thế nào. Còn theo đồng chí Võ Văn Kiệt, nếu giải quyết mọi việc từ nhỏ thì không phát sinh việc lớn. Gần gũi dân, sâu sát dân, chủ động giải quyết không chờ đợi đến “năm lần bảy lượt” hay đùn đẩy trách nhiệm, tính cách Võ Văn Kiệt sống mãi trong lòng dân là ở chỗ đó.

Được chính sách nghỉ hưu, nhưng khát vọng lo cho dân, cho nước luôn đè nặng trên đôi vai nên dường như đồng chí Võ Văn Kiệt không có ngày nào dành riêng cho mình. Dịp kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 5(6), nhớ đồng chí, tôi xin ghi lại mấy dòng này.

(1) Thư góp ý trao đổi công việc theo chế độ cố vấn Bộ Chính Trị.

(2) Trích bức thư công tác số 32/2000.

(3) Bức thư ngày 10/3/1998

(4) Bức thư ngày 5/5/2000

(5) Bức thư ngày 20/10/2000.

(6) Đồng chí mất ngày 11/6/2009, tức ngày 8/5 âm lịch

SAO VÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh