Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp

06:06, 05/06/2013

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã dành trọn 2 ngày 3 và 4/6/2013 để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp là ý kiến tán thành trong thảo luận tổ 11 về nội dung trên. Trong ảnh: Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) góp ý kiến.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã dành trọn 2 ngày 3 và 4/6/2013 để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

86 đại biểu đã đóng góp ý kiến và đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại hội trường.
 
Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như “Lời nói đầu” của Hiến pháp; tên nước; chế độ chính trị, kinh tế; vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Nhà nước thu hồi đất; nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, chính quyền địa phương, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Hội đồng Hiến pháp…

Nhìn chung, các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về các vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc liên quan đến bản chất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của nước ta.

Vấn đề về nền tảng của Nhà nước, có ý kiến đề nghị dùng cụm từ “khối đại đoàn kết toàn dân tộc” hoặc để nguyên như dự thảo nhưng thêm “đội ngũ doanh nhân” vào sau “đội ngũ trí thức”.

Các đại biểu tán thành giữ Điều 4 và cũng là ý kiến, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân về khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, nêu rõ bản chất của Đảng, nền tảng tư tưởng của Đảng như trong cương lĩnh, điều lệ của Đảng; có ý kiến bổ sung quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Các đại biểu nhất trí cao việc giữ nguyên tên nước như hiện nay. Về Điều 10 Công đoàn có 2 loạt ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến giữ Điều 10 để khẳng định vị trí vai trò to lớn của giai cấp công nhân và bổ sung một số nội dung mới về Công đoàn cho phù hợp với tình hình mới. Song có ý kiến đề nghị đưa nội dung Điều 10 thành một khoản độc lập của Điều 9.

Về chế độ kinh tế, các đại biểu khẳng định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như cương lĩnh đã ghi. Vấn đề chính quyền địa phương cũng được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận. Một số đại biểu cho rằng, thiết chế HĐND và UBND có quan hệ mật thiết với nhau, ở đâu có UBND phải có HĐND; ở đâu có cơ quan hành chính thì có cơ quan giám sát;…

“Các ý kiến đóng góp của nhân dân đã được các cơ quan tổ chức và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tập hợp đầy đủ, khoa học và nghiên cứu đề xuất các phương án tiếp thu nhằm hoàn thiện bản dự thảo.

Sau kỳ họp này, đến ngày 30/9/2013, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục tổng hợp ý kiến để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thảo luận xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 để đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Tin, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh