Dư luận sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La 12

06:06, 02/06/2013

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra ở Xin-ga-po, bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận trong nước cũng như giới học giả, ngoại giao và báo giới quốc tế.

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra ở Xin-ga-po, bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận trong nước cũng như giới học giả, ngoại giao và báo giới quốc tế.

Ngay sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu, hàng loạt hãng thông tấn nước ngoài đã có những tin, bài truyền đi thông điệp của Thủ tướng về xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như chính sách quốc phòng của Việt Nam thông qua bài phát biểu.

Hầu hết ý kiến đều cho rằng, bài phát biểu dẫn đề đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tại diễn đàn an ninh quan trọng này, không những ấn tượng và xuất sắc, mà còn đưa ra thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng, thể hiện vai trò và vị thế then chốt của Việt Nam trong khu vực.

*Thông điệp minh bạch, thẳng thắn về quan điểm của Việt Nam về an ninh khu vực

Dư âm bài phát biểu đề dẫn tối 31-5 tại Đối thoại Shangri-La 12 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thể hiện rất rõ trong các cuộc trao đổi hôm sau, bên hành lang Hội trường Island Ballroom của Khách sạn Shangri-La, nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của đối thoại lần này.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Thủ tướng Việt Nam đã có một bài phát biểu xuất sắc, đưa ra thông điệp minh bạch, thẳng thắn về quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, cũng như cách thức xử lý một trong những quan ngại lớn nhất của cộng đồng quốc tế hiện nay, đó là tình trạng căng thẳng quanh các tranh chấp trên biển, những thách thức an ninh phi truyền thống, sự can dự của các cường quốc trong khu vực.

Các đại biểu tại Đối thoại Shangri-La trao đổi giữa hai phiên họp. Ảnh: Văn Yên.

Giáo sư Can Thay-ơ (Carl Thayer), một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề an ninh quốc phòng châu Á thuộc Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a, được mời tham gia buổi tiệc chiêu đãi khai mạc Đối thoại Shangri-la 12 cho biết, hầu hết những người ngồi ở bàn ông đều có phản ứng tích cực trước bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhìn chung đều cho rằng Thủ tướng Việt Nam đã “có một bài phát biểu xuất sắc, được diễn đạt và dịch bằng một thứ tiếng Anh rõ ràng và hoàn hảo”.

Tiến sĩ Tim Hiu-xli (Tim Huxley), Giám đốc khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Luân Đôn, đơn vị tổ chức diễn đàn Đối thoại Shangri-La trong 12 năm qua nói: “Chúng tôi mong đợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm rõ được vai trò của Việt Nam trong vấn đề an ninh khu vực”.

Trong các cuộc tiếp xúc song phương với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, các quan chức quốc phòng an ninh cao cấp đều bày tỏ sự thích thú trước thông điệp mà nhà lãnh đạo của Việt Nam đưa ra trên một trong những diễn đàn an ninh thuộc loại lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Ô-xtrây-li-a Xtê-phen Xmít (Stephen Smith) nói với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong buổi tiếp xúc song phương sáng 1-6: “Thủ tướng Việt Nam đã có một bài phát biểu rất ấn tượng”.

Đô đốc Xa-mu-en Lốc-lia (Samuel Locklear), Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết, ông rất ấn tượng về bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ở Đối thoại Shangri-La cũng như phần trả lời sau bài phát biểu của Thủ tướng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a, ông Đa-tô Xê-ri Hi-sa-mu-đin bin Tun Hu-xên (Dato Seri Hishamudin bin Tun Husein) đã chúc mừng Việt Nam vì “Thủ tướng của các bạn có một bài phát biểu thẳng thắn và thông điệp rõ ràng”.

ông Đa-tô Xê-ri Hi-sa-mu-đin bin Tun Hu-xên đặc biệt tâm đắc với phần nội dung trong bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam liên quan đến sự can dự của các nước lớn trong khu vực. “Cả Việt Nam và Ma-lai-xi-a đều đã phải nỗ lực rất nhiều mới giành được độc lập dân tộc, bởi thế chúng ta có quyền quyết định số phận của mình, không phụ thuộc vào sự can dự của những nước lớn”, ông nói.

Trong khi đó, giới báo chí nhận định Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng hướng đến những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến an ninh của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khéo léo tránh nêu tên các quốc gia, hay các sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh biển khi đại biểu đoàn Trung Quốc chất vấn.

Cách “trả lời mà như không trả lời” cho 2 câu hỏi hóc búa nữa mà các đại biểu đặt ra về quan điểm của Việt Nam trước việc Phi-líp-pin kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, hay thái độ của Việt Nam trước hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, cũng được nhiều học giả và nhà ngoại giao đồng tình.

“Không nên chỉ trích lộ liễu ai ở tại diễn đàn này”, nhà ngoại giao Mai-cơn Mắc-lay (Michael Maclay) từ Thụy Điển nói.

Còn ông Chri-xti-an Lê Mi-ê-rê (Christian Le Mière), chuyên gia hải quân và an ninh biển của IISS, một trong ba người đã đặt câu hỏi với Thủ tướng nói, ông “rất hài lòng với bài phát biểu” và “đồng ý với các câu trả lời hỏi đáp của Thủ tướng Việt Nam”.

Tờ Strait Times, một trong những tờ báo có lượng người đọc lớn nhất ở Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a, trong số ra ngày 1-6 đã giật tít lớn lấy ý chính trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Cần có “lòng tin chiến lược” để duy trì sự ổn định”. (VĂN YÊN) (từ Xin-ga-po)

*Tiếp tục khẳng định chính sách quốc phòng vì hòa bình và tự vệ của Việt Nam

Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La vào tối 31-5 ở Xin-ga-po, trang web của Viện Nghiên cứu quốc tế (IISS) đã đăng toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng với tiêu đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á”.

Trong khi đó, hãng tin NHK của Nhật đặc biệt quan tâm đến kêu gọi đoàn kết khu vực, cùng xây dựng một giải pháp có tính ràng buộc về pháp lý đối với các tranh chấp biển, đảo ở Biển Đông.

Hãng tin BBC lại đặc biệt quan tâm đến kỳ vọng vào vai trò của các nước lớn trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngoài ra, BBC nhấn mạnh đến lời tái khẳng định chính sách quốc phòng vì hòa bình và tự vệ, không liên minh quân sự với nước nào của Việt Nam.

Toàn cảnh buổi phát biểu chính khai mạc Đối thoại Shangri-La 12 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN).

Đoàn kết nội khối ASEAN và xây dựng “lòng tin chiến lược” cũng là 2 trọng tâm mà hãng thông tấn Roi-tơ đưa tin về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài của Roi-tơ sau đó cũng được tờ Star Online của Phi-líp-pin và trang web của kênh truyền hình NBC của Mỹ đăng lại.

Tờ Channel News Asia hay Strait Times của Xin-ga-po cũng tập trung nhấn mạnh đến kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ tăng cao trong những năm gần đây, đe dọa đến sự phồn thịnh của khu vực.

Tờ Strait Times ấn tượng với câu nói “Mất niềm tin là mất tất cả” trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhắc đến những xung đột dai dẳng trong khu vực.

Theo tờ báo, Thủ tướng Việt Nam kêu gọi các nước xây dựng lòng tin chiến lược lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi tình trạng căng thẳng âm ỉ và các tranh chấp lãnh thổ trong vài năm qua đang đe dọa sự thịnh vượng của khu vực.

Tờ này cũng nhanh chóng đưa những dòng đầu tiên về nội dung bài phát biểu cùng với hình ảnh Thủ tướng đang phát biểu. Tờ Straits Times nhận định diễn đàn an ninh năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì những tranh chấp hàng hải trong khu vực.

AsiaOne sau đó đã lấy lại ảnh của Straits Times đồng thời dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để tăng cường lòng tin trong khu vực, các nước dù là lớn hay nhỏ phải tuân thủ luật pháp quốc tế và nhận thức được trách nhiệm của mình.

Channel News Asia cũng dành một bài với tiêu đề "Xây dựng lòng tin song phương và chiến lược ở châu Á là việc quan trọng" để nói về bài phát biểu của Thủ tướng. Bài của Channel News Asia cũng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của biển đối với thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, hãng thông tấn Pháp AFP chú ý đến thông báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam sẽ lần đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự. (NGỌC HÀ (tổng hợp))

* Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là rất quan trọng đối với các nước khu vực

Tham dự Hội nghị Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 tại Xin-ga-po, Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu rất quan trọng khẳng định rõ nguyện vọng và lòng mong muốn của nhân dân Việt Nam duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và toàn khu vực; khẳng định lập trường cũng như quyết tâm của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp bất đồng; đề xuất chiến lược và quan điểm của Nhà nước Việt Nam; đề cao vai trò của ASEAN và các đối tác, nhất là Mỹ-Trung trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông.

Trong đó, Thủ tướng nước ta nhấn mạnh: Cần tạo dựng và xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, trên cơ sở tuân thủ và thực thi đầy đủ các luật pháp và công ước quốc tế; đề cao trách nhiệm của từng quốc gia, vai trò các nước lớn, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, nhất là Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Việt Nam sẵn sàng đàm phán với các nước để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, thông qua đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp và công ước quốc tế, tôn trọng lịch sử, vì lợi ích chung giữa hai nước, cũng như khu vực và toàn thế giới.

Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa; là bạn là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia và dân tộc trên toàn thế giới, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè trên toàn cầu, trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, hòa bình trong khu vực và thế giới; thúc đẩy sự thành công hội nghị quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 tại Xin-ga-po lần này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Chủ tịch Đối thoại Shangri La 12. Ảnh: chinhphu.vn.

Biển Đông có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nguồn sống của nhân dân nhiều nước, cửa ngõ giao thương thúc đẩy sự thịnh vượng của nhiều quốc gia, đường hàng hải vận chuyển hàng hóa lớn của toàn thế giới.

Hiện tại, Biển Đông đang tồn tại tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải do lịch sử để lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, ảnh hưởng tới hòa bình và phát triển trong khu vực cũng như toàn thế giới. Nguyện vọng và lòng mong muốn của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực là: Giữ vững hòa bình, đẩy mạnh hợp tác để phát triển, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh; giải quyết các tranh chấp bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, theo luật pháp và công ước quốc tế.

Trong đó ASEAN và các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ cần đạt được thỏa thuận, sớm xác định rõ trách nhiệm, cùng thực thi đầy đủ công ước về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); đồng thời làm hết sức mình để sớm ban hành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, yếu tố then chốt giữ vững hòa bình ổn định ở Biển Đông, trong khu vực và toàn thế giới. (Thiếu tướng PGS TS BÙI THANH SƠN)


* Tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước để xây dựng lòng tin

Tôi rất tâm đắc với những nội dung được đề cập trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 12, đặc biệt là vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia và sự khẳng định chính sách đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam.

Lòng tin có ý nghĩa quyết định đối với quan hệ hợp tác giữa các quốc gia. Quan hệ giữa các nước chỉ có thể đi vào chiều sâu và phát triển bền vững khi có lòng tin với nhau.

Bản chất của việc xây dựng lòng tin có thể hiểu là việc thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và việc làm, tiến tới hợp tác thực chất; tăng cường hợp tác, giao lưu để hiểu biết lẫn nhau, để thay đổi các quan niệm về nhau và tạo ra những động lực tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác; cùng nhau xây dựng các cơ chế giám sát, kiểm tra để các bên đối tác đều thực hiện đúng cam kết. Việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác (qua việc phát ngôn) hoặc tạo cơ sở để đối tác dự báo được hành động của mình (qua việc làm) là nội dung chính của xây dựng lòng tin.

Tuy nhiên, xây dựng lòng tin là một quá trình rất khó khăn, nhất là giữa các nước có lịch sử tranh chấp và xung đột lâu dài. Nếu một trong hai bên có sự nghi ngờ lẫn nhau, thì thành quả xây dựng lòng tin có thể biến mất, quá trình hợp tác có thể bị chệch hướng.

Thời gian tới, để phát huy vai trò của quân đội trong xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực, quân đội các nước cần tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa lực lượng vũ trang (LLVT) các nước để tạo ràng buộc lợi ích và tính liên kết lợi ích, nâng cao mức độ hiểu biết lẫn nhau, qua đó tăng cường tương tác và sự gắn kết giữa quân đội các nước.

Quân đội các nước cần đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu học thuật để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về hệ thống chính trị, văn hóa chính trị và các yếu tố khác, làm cơ sở để mở rộng quan hệ và đưa các quan hệ đi vào chiều sâu.

Cần tiếp tục mở rộng các hình thức hợp tác giao lưu giữa quân đội các nước; thiết lập đường dây nóng và cách tiếp cận nhanh chóng giữa các lãnh đạo quân đội, nhằm kịp thời trao đổi thông tin và xử lý các tình huống khẩn cấp.

Tăng cường trao đổi, thăm viếng lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo quân sự và an ninh; thiết lập cơ chế trao đổi tin tức tình báo; định kỳ tổ chức đối thoại quốc phòng và chiến lược; tham gia các cuộc hội nghị, hội thảo; mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác từ song phương sang đa phương.

Cần tăng cường công khai và minh bạch quá trình ra quyết sách và thực thi chính sách quốc phòng, tránh tình trạng một nước này đưa ra thông tin sai lệch về chính sách quốc phòng của nước khác. Các nước cần định kỳ xuất bản Sách Trắng quốc phòng, trong đó công khai chính sách quốc phòng, ngân sách quốc phòng, vũ khí trang bị…

Tiếp tục xây dựng các khuôn khổ và cơ chế hợp tác mang tính ràng buộc lẫn nhau để thống nhất về giới hạn, hoặc phạm vi chấp nhận được của hành vi, hoặc cơ chế giải quyết bất đồng, làm giảm nghi ngờ lẫn nhau.

Thông qua việc ký kết các văn kiện hợp tác, đối tác, các bên có thể thống nhất nội dung và phạm vi hợp tác, hoặc cơ chế giải quyết các tranh chấp, tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. (Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN (Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng))


* Tăng thêm niềm tin và trách nhiệm

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Xin-ga-po đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Đó là tiếng nói của Việt Nam mà Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ gửi đến các nước trong khu vực và thế giới, khẳng định lập trường, quan điểm, đường lối đối ngoại, chiến lược quốc phòng của Việt Nam và giải pháp giải quyết những vấn đề đang phức tạp trên Biển Đông.

Cá nhân tôi nói riêng và cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Quân đoàn 4 hết sức tâm đắc về quan điểm xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột.

Tôi vừa mới thay mặt Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 tham gia đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu đi thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa. Chuyến đi giúp tôi có được cái nhìn thực tế sâu sắc và toàn diện, đồng thời củng cố lòng tin về trách nhiệm, khả năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của chúng ta.

Chúng tôi nghĩ rằng phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một thông điệp rõ ràng của Đảng và Nhà nước ta gửi đến cộng đồng quốc tế, khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng làm hết sức mình để xác lập lòng tin giữa các quốc gia, bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Mọi vấn đề dù khó đến đâu, nhưng nếu giữa các quốc gia có lòng tin với nhau thì sẽ cùng nhau giải quyết thành công.

Bài phát biểu của Thủ tướng cũng giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu sâu sắc thêm về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; biện pháp giải quyết những vấn đề phức tạp trên Biển Đông; lập trường trước sau như một của Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền quốc gia; chính sách quốc phòng và nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang nhân dân trong tình hình mới. (Đại tá PHẠM XUÂN TRẠO (Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4))

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh