Chính sách phải căn cơ, thực sự đi vào cuộc sống

07:05, 31/05/2013

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đã có những kiến nghị gửi tới Quốc hội trong ngày thảo luận đánh giá tình hình kinh tế- xã hội năm 2012.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đã có những kiến nghị gửi tới Quốc hội trong ngày thảo luận đánh giá tình hình kinh tế- xã hội năm 2012.

 

Nhà nước phải thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân một cách căn cơ, không “lẻ mẻ” và thực sự đi vào cuộc sống.

Về sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu, các tỉnh ĐBSCL (Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang) có lợi thế về điều kiện để phát triển ngành nuôi cá tra chế biến xuất khẩu. Nếu thành công sẽ đóng góp giá trị xuất khẩu quan trọng cho đất nước, tăng thu nhập và cải thiện đáng kể cho người nuôi cá và chế biến thủy sản,…

Song, người nuôi cá, DN sản xuất thức ăn thủy sản, DN chế biến xuất khẩu đang đứng trước những khó khăn cần được Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành trung ương tháo gỡ về vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ.


Tôi đề nghị Chính phủ sớm ban hành khung chính sách về quản lý- sản xuất- tiêu thụ cá tra xuất khẩu; rà soát thường xuyên, khảo sát giá thành, hướng dẫn giá sàn để có thương thảo giữa người nuôi và nhà máy thu mua chế biến xuất khẩu ngay đầu vụ.

Cần dự báo nhu cầu thị trường, quy hoạch, quản lý quy hoạch vùng nuôi, tăng cường trách nhiệm địa phương trong việc quản lý sản xuất cả về quy mô lẫn chất lượng, cả con giống và sản lượng thương phẩm.

Có chính sách ưu đãi DN chế biến thức ăn, thu mua và chế biến xuất khẩu, đặc biệt nguồn vốn đầu tư phát triển từ tín dụng ngân hàng nhằm khôi phục được thị trường xuất khẩu, ổn định được sản phẩm và tạo giá trị tăng thêm đáng kể trong nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Về chính sách tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, cử tri ĐBSCL đặc biệt quan tâm đến thị trường tiêu thụ và chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo của Chính phủ.

Tôi đề nghị Chính phủ có chỉ đạo đánh giá tổng kết chính sách và giải pháp tốt hơn thực hiện mua tạm trữ lúa, gạo, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện chính sách đúng đắn.

Về lâu dài, tôi đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có chương trình căn cơ cho phát triển ngành trồng lúa- sản phẩm trọng điểm của quốc gia, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, ổn định cung cầu.
 
Cần phát triển quy mô lớn chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai đến các tỉnh; có chính sách và giải pháp tốt nhất để vùng, người trồng lúa bảo đảm giữ 3,8 triệu hecta đất trồng lúa mà Quốc hội đã xác định.

Đồng thời, Chính phủ quan tâm hơn chỉ đạo sâu hơn chương trình xây dựng nông thôn mới nhất là các xã thuần nông chuyên canh cây lúa, đang thiếu nguồn lực chăm lo phát triển hạ tầng, cần sự trợ giúp nguồn lực từ Trung ương.

Tôi đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành có chỉ đạo và điều hành đồng bộ việc khai thác tài nguyên, phát triển hài hòa giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

THÚY QUYÊN (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh