Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, diễn ra cách đây đã 45 năm. Thành công của cuộc tiến công có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố vô cùng quan trọng mang tính quyết định là: Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã đánh giá đúng tình hình, quyết định đúng đắn và có biện pháp chỉ đạo thực hiện rất sáng tạo; nên ta đã tiến hành thành công cuộc Tổng tiến công và
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, diễn ra cách đây đã 45 năm. Thành công của cuộc tiến công có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố vô cùng quan trọng mang tính quyết định là: Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã đánh giá đúng tình hình, quyết định đúng đắn và có biện pháp chỉ đạo thực hiện rất sáng tạo; nên ta đã tiến hành thành công cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược: "Đánh cho Mỹ cút", làm cơ sở để "Đánh cho ngụy nhào", giành thắng lợi quyết định.
Sau khi vào chiến trường, quân Mỹ-ngụy và chư hầu, tiến hành liên tiếp hai cuộc phản công chiến lược vào mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967; nhằm “tìm diệt” chủ lực ta, tiêu diệt Trung ương Cục miền Nam, giành thắng lợi quyết định chiến tranh.
Lực lượng ta trên chiến trường, được sự chi viện và phối hợp tác chiến của quân, dân miền Bắc, nhân dân miền Nam anh dũng chiến đấu, đánh thắng quân Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường, Plây-me... tiến lên đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của địch, tạo thế và lực mới cho cách mạng.
Thế nhưng so sánh lực lượng trên chiến trường, kẻ thù vẫn chiếm ưu thế, với hơn một triệu quân chính quy có trang bị tác chiến hiện đại, lại đang dốc sức chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược lần thứ ba vào mùa khô năm 1967-1968.
Trong khi đó chủ lực ta trên chiến trường chưa đầy 30 vạn, lại phải liên tục tác chiến. Tuy vậy, thế trận chiến tranh nhân dân của ta đang phát triển mạnh trên cả ba vùng chiến lược, rừng núi, đồng bằng và đô thị, tạo thế đánh vào bên sườn và phía sau quân địch. Quyết tâm đánh và thắng Mỹ của quân dân cả nước ngày càng được nâng cao.
Trước sức mạnh quân sự của Mỹ, nhiều nước trên thế giới lo sợ chiến tranh ở Việt Nam nếu phát triển cao hơn, sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của họ.
Do vậy, họ không muốn ta chuyển sang tiến công chiến lược lớn, sợ tái diễn cuộc chiến Triều Tiên lần thứ hai. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, với đường lối độc lập, tự chủ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định: Tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ giành thắng lợi chiến tranh.
|
Ban chỉ huy thống nhất Phân khu 5 (thị xã Thủ Dầu Một) bàn kế hoạch tác chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu. |
Để tiến hành thành công cuộc tiến công và nổi dậy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo làm công tác chuẩn bị cũng như thực hành tác chiến rất sáng tạo.
Trong xây dựng kế hoạch đánh địch, khác các cuộc tiến công trước đây, cũng như các cuộc tác chiến chiến lược của nhiều nước. Về lựa chọn cách đánh và không gian tác chiến, ta đồng loạt tiến công địch trên toàn chiến trường.
Địa bàn chính là vùng đô thị, nơi có nhiều mục tiêu quan trọng của địch, lại nằm sâu trong hậu phương của chúng, ở đó địch bố trí lực lượng mỏng, khả năng tác chiến yếu.
Mục tiêu tiến công, ta không chỉ tiến công vào các căn cứ quân sự, mà còn đánh vào các mục tiêu chính trị từ cơ quan đầu não đến chính quyền cơ sở của địch, đập tan chỗ dựa, làm mất cái cớ để Mỹ đưa quân vào cứu ngụy quyền.
Thời gian tiến công, ta đánh đúng vào lúc Giao thừa, khi quân địch chủ quan, mất cảnh giác nhất. Hiệu lệnh tiến công là lời chúc Tết của Bác Hồ với đồng bào cả nước, được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam “...Tiến lên chiến sĩ đồng bào...” và tiếng pháo đón Giao thừa của nhân dân trên toàn chiến trường.
Phương thức đánh địch, ta kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với nổi dậy đấu tranh giành quyền làm chủ của nhân dân. Yếu tố quan trọng nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của chiến tranh nhân dân và cách đánh của hai lực lượng, ba thứ quân trong quá trình tiêu diệt địch.
Để giữ bí mật, tạo bất ngờ, ta còn tiến hành đồng thời và kế tiếp nhiều biện pháp nghi binh lừa địch. Trên mặt trận quân sự, tháng 11-1967, ta mở chiến dịch tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên, cuối tháng 1-1968 ta mở mặt trận đánh địch ở Bắc Quảng Trị, tiêu diệt nhiều căn cứ lớn như: Cồn Tiên, Dốc Miếu... vây hãm quân Mỹ ở Khe Sanh, kéo giữ một bộ phận quan trọng quân địch ra chiến trường rừng núi.
Sau đó, ta mở các cuộc tiến công chống phá bình định, giữ chặt một bộ phận địch, thu hút sự chú ý của Mỹ-ngụy về vùng đồng bằng. Trên mặt trận chính trị và ngoại giao, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người lãnh đạo cao nhất và người trực tiếp chỉ huy LLVT tác chiến đi ra nước ngoài chữa bệnh.
Trong dịp lễ Nô-en ta phóng thích một số tù binh Mỹ, để họ đoàn tụ cùng gia đình đón năm mới. Trong buổi chiêu đãi các đoàn ngoại giao tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh còn tuyên bố, sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ, khi Mỹ chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam, làm rõ nguyện vọng mong muốn hòa bình, không muốn giải quyết chiến tranh bằng biện pháp quân sự của nhân dân ta.
Trên một số phương tiện thông tin của cơ quan chiến lược, Tổng hành dinh còn cho phát đi một số bức điện, truyền đạt một số nội dung của quyết tâm tác chiến giả.
Trong khi đó quyết tâm và mệnh lệnh chiến đấu thật, lại được bí mật truyền đạt trực tiếp cho các tư lệnh chiến trường tại Hà Nội. Ở miền Bắc, ta còn cho một bộ phận sĩ quan quân đội được nghỉ phép Tết, về đón Xuân cùng gia đình...
Tất cả các thông tin đó đều được cơ quan tình báo của địch thu nhận, cùng với nắm được một phần công tác chuẩn bị của ta trên chiến trường, quân địch đưa ra nhận định: Ta có thể đánh lớn, chiến trường chính sẽ là Quảng Trị. Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Sài Gòn, Tướng Oét-mô-len ra lệnh: Phải giữ bằng được Khe Sanh, quyết không để xảy ra Điện Biên Phủ thứ hai.
Trong lúc địch đang lo đối phó ở rừng núi và đồng bằng. Bất ngờ đúng giờ Giao thừa, quân và dân ta đồng loạt tiến công địch trên khắp chiến trường, tập trung vào vùng đô thị, hầu hết các thành phố và các căn cứ quân sự lớn, cùng các công sở chính quyền của địch từ Trung ương đến cơ sở, kể cả Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy... đều bị tiến công.
Cả nước Mỹ bàng hoàng, Chính phủ Mỹ phải đơn phương tuyên bố: Chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, đồng ý đàm phán ở Pa-ri, đưa cách mạng miền Nam phát triển sang giai đoạn mới...
Cuộc tổng tiến công chiến lược Xuân 1968 cho thấy, dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nếu ta biết đánh giá đúng tình hình, đưa ra quyết định đúng đắn, lại có biện pháp chỉ đạo thực hiện sáng tạo, nhất định sẽ thành công.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin