Tất niên chung toàn khu dân cư- cách làm hay cần nhân rộng

04:02, 07/02/2013

Tất niên là phong tục tập quán có từ lâu, có cái hay riêng và cần tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, vừa bảo đảm ý nghĩa, vừa tiết kiệm nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn được gắn bó. Tổ 35 Khu dân cư Khóm 4 (Phường 9- TP Vĩnh Long) có cách làm như thế. Đó là tổ chức tất niên chung cho cả xóm.

Tất niên là phong tục tập quán có từ lâu, có cái hay riêng và cần tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, vừa bảo đảm ý nghĩa, vừa tiết kiệm nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn được gắn bó. Tổ 35 Khu dân cư Khóm 4 (Phường 9- TP Vĩnh Long) có cách làm như thế. Đó là tổ chức tất niên chung cho cả xóm.


Mọi người chung tay tổ chức buổi tiệc.

Nhà nhà tất niên, người người tất niên

Khu dân cư tôi ở năm nào cũng vậy, mặc dù ai nấy đều rất bận rộn cho công việc cuối năm “như gấp tết”, nhưng cứ đến khoảng 23 âm lịch là bắt đầu tổ chức ăn tất niên. Hôm nay nhà này tổ chức mời cả xóm, hôm sau thì nhà khác và cứ thế mà tổ chức cho đến hết khu dân cư.

Cách làm này cũng có cái hay riêng của nó, nhưng nói chung là bất tiện và mất quá nhiều thời gian trong khi thời buổi công nghiệp hóa còn rất nhiều việc phải làm cho xong trước khi nghỉ tết. Anh H. tâm sự: Trước đây, được ai mời ăn tất niên là niềm vui, là chuyện bình thường trong dịp tết, nhưng bây giờ mà nghe ai mời đi ăn tất niên thật sự là rất ngại.

Thật là cực chẳng đã mới đi, nếu không đi thì sợ mất lòng hàng xóm, còn nếu đi thì chịu đời không thấu vì phải uống rượu, bia kéo dài trong khi mình không có nhiều thời gian lại ảnh hưởng sức khỏe. Vả lại, rượu vào lời ra đôi lúc sinh chuyện cãi vã chẳng hay ho gì, hoặc có khi các bác “sung ba khía” lên hát hò làm um cả xóm…

Người đi dự tiệc là thế, còn người tổ chức tiệc cũng chẳng sướng ích gì. Chẳng qua thấy nhà này tổ chức mời mình, thì mình cũng ráng sắp xếp công việc, nhín chút thời gian, thậm chí “trốn” công việc bận rộn cuối năm ở cơ quan để làm tiệc tất niên mời lại người hàng xóm.
 
Và cũng ráng tổ chức cho “bằng chị bằng em” với người ta, nếu không sẽ bị xóm giềng chê trách là “Trùm Sò” keo kiệt. Chính vì lẽ đó mà nhà nhà tổ chức, người người tổ chức tất niên, cả khu dân cư tất niên.

Theo anh T., nếu chỉ mỗi một việc đi ăn tất niên cho giáp hết mấy chục hộ trong khu dân cư, thì sẽ không có đủ thời giờ để mà đi và có lẽ cũng không còn đủ sức khỏe để đi thăm gia đình bên nội, bên ngoại, thầy cô, bạn bè thân hữu và cũng có thể ăn tết trong... bệnh viện.

Một cuộc tất niên chung toàn khu dân cư

Như thường lệ, cứ đến cuối quý là Tổ 35 Khu dân cư Khóm 4 họp chấm điểm việc thực hiện Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy. Tại cuộc họp quý IV/2012, anh Ba K. đề nghị năm nay mình đổi mới tổ chức tiệc tất niên- tổ chức tất niên chung một cuộc cho cả tổ thay vì tổ chức lẻ ở từng hộ như các năm trước đây. Ý kiến anh Ba K. ngay lập tức được sự ủng hộ của đại bộ phận dân cư trong tổ. Thế là buổi tiệc tất niên được tiến hành sau đó ít hôm.

Đồng chí đại diện mặt trận khóm phấn khởi cho biết, đây là lần đầu tiên tổ chức ăn tất niên chung cho cả tổ kể từ khi có Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy đến nay. Cách làm này rất hay, vừa tạo được tình đoàn kết xóm giềng, vừa tiết kiệm tiền của và thời gian, lại phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Dường như nói đúng ý mình, anh H. vừa ăn vừa nói chen vào: Cách làm này hay quá đấy chứ. Theo tính toán của tôi, nếu tổ chức riêng lẻ, chủ nhà tốn nhiều tiền để làm tiệc đãi khách, còn khách đến dự cũng phải mua cái gì đó mang theo góp vui. Còn nếu tổ chức một buổi tiệc chung cho cả khu dân cư, chỉ tốn vài ba triệu đồng. Tính ra tiết kiệm được chi phí rất lớn và đặc biệt là tiết kiệm được rất nhiều thời gian và sức khỏe để làm chuyện khác.

Anh Ba K.- thành viên trong tổ cũng là người “sáng kiến” ra buổi tiệc này nói: Đây cũng là hành động thiết thực nhằm hưởng ứng tích cực việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong khu dân cư, thông qua các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày.

Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc và nghiêm cấm cán bộ công chức uống rượu bia buổi trưa. Vấn đề này được sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân; bước đầu tạo ra sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức chấp hành.

Tất niên khu dân cư là cách làm hay, là dịp để láng giềng gặp mặt nhau đông đủ sau một năm lao động vất vả. Bà con quây quần bên nhau để thăm hỏi tình hình làm ăn, sinh sống, chuyện học hành của con cái, công việc ở cơ quan,... nhằm làm cho tình làng nghĩa xóm càng gắn bó nhau hơn, như ông bà ta nói “tối lửa tắt đèn có nhau” hay “bà con xa không bằng láng giềng gần”. 

Bài, ảnh: HỒNG THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh