Sống kiệm- một thuộc tính đặc trưng của Bác Hồ

10:02, 08/02/2013

Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch nhiều lần nói với cán bộ, đảng viên và nhân dân: “Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông; đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa không thành trời; thiếu một phương không thành đất; thiếu một đức bất thành nhân (chẳng nên người).

Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch nhiều lần nói với cán bộ, đảng viên và nhân dân: “Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông; đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa không thành trời; thiếu một phương không thành đất; thiếu một đức bất thành nhân (chẳng nên người).


Đối với Bác Hồ, “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, nhất là lối “sống kiệm” đã trở thành một thuộc tính đặc trưng xuyên suốt cuộc đời hoạt động của Bác cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trong gần sáu thập niên (1911- 1969) đang để lại một tấm gương sáng chói cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau học tập và làm theo để góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.

Theo sử sách đang lưu truyền cho biết suốt cả tháng 9/1945 hội kiến, bàn về cuộc cách mạng hai nước Việt- Lào với Hoàng thân Xu-pha Nu-vong- một trí thức trẻ, con trai Phó vương Lào tại Bắc Bộ Phủ; nhưng trong bữa cơm hàng ngày giữa chủ và khách chỉ là gạo lứt, muối mè, cá kho, ngủ chung một giường, gối chung chiếc gối mây dài hơn 1m, đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp, đã hình thành trong đầu người kỹ sư Lào con đường đấu tranh cách mạng cứu nước giải phóng dân tộc Lào khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, và ông Hoàng đã trọn đời trung thành với con đường mà mình đã lựa chọn.

Đến năm 1946, nhân dịp mừng Xuân Bính Tuất, đón tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc bà chủ bút Báo Quốc gia- cơ quan ngôn luận của một nhóm nhân sĩ yêu nước xuất bản tại Hà Nội đã xin Cụ Chủ tịch bài thơ đăng trên báo tết, đã được Người đáp ứng, gửi tặng bài thơ “Mừng Báo Quốc gia” 8 câu, 56 chữ:

“Tết này mới thật tết dân ta

Mấy chữ chào mừng Báo Quốc gia

Độc lập đầy vơi ba cốc rượu

Tự do vàng đỏ một rừng hoa

Muôn nhà chào đón xuân dân chủ

Cả nước vui chung phúc cộng hòa

Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc

Những người chiến sĩ ở phương xa”.

Điều đáng quý nữa ở sự kiện độc đáo này là bài thơ được Bác Hồ viết tay (không đánh máy chữ) trên mặt sau một tờ lịch cũ, rồi Người tự làm một chiếc phong bì từ một tờ giấy một mặt, cho một chiến sĩ bảo vệ đem bì thơ đến tận tòa soạn, không gửi qua bưu điện, vừa nhanh, vừa không tốn tiền mua tem.

Cả tòa soạn Báo Quốc gia ai cũng kính phục Cụ Hồ, số tiền bán Báo Quốc gia mừng Xuân Bính Tuất đã được tòa soạn đem ủng hộ vào Quỹ kháng chiến- kiến quốc theo lời kêu gọi của Chính phủ trước đó.

Tháng 12/1946, Chính phủ Pháp bội ước, chà đạp lên bản tạm ước đã ký ngày 14/9/1946 giữa chính phủ 2 nước, cho quân gây hấn tại Thủ đô Hà Nội. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch quyết định động viên Quân Dân cả nước kháng chiến, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được.

Tại làng Vạn Phúc ven TX Hà Đông, Hồ Chủ tịch đã viết bản kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cho người giúp việc đem đến nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh xem và tham gia ý kiến.

Điều làm cho mọi người khâm phục về lối sống tiết kiệm của Bác khi thấy lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Bác viết trên 2 tờ giấy một mặt còn trắng (mặt kia đã dùng rồi).

Đến năm 1970, người giúp việc Bác Hồ 24 năm trước đó đã đem 2 tờ giấy Bác viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (trên giấy một mặt) tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ.

Tháng 10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lớn lên Chiến khu Việt Bắc, song đã bị thất bại thảm hại. Một chiến sĩ vệ quốc đoàn đã có sáng kiến cắt một đôi dép cao su từ chiếc lốp ôtô của giặc bị ta bắn hỏng để kính dâng tặng vị Cha già dân tộc sử dụng đi lại thuận tiện.

Đôi dép cao su đó đã đưa Bác Hồ đi đến nhiều miền quê thăm nông dân, công nhân, bộ đội từ đất liền đến đảo xa, và cả một số quốc gia bè bạn, đã gắn bó với người qua nhiều năm tháng đến lúc Người đi xa, trở thành một kỷ vật vô giá, thể hiện đức tính giản dị, tiết kiệm đáng quý của Người, là bài học bổ ích cho thế hệ trẻ học làm người, sống có ích cho xã hội, luôn quý trọng sức lao động, mồ hôi của nhân dân.

Năm 1957, lần đầu tiên bác về thăm quê ở Kim Liên, anh em cán bộ địa phương đã xin Bác ý kiến nên trồng loại hoa gì trong khuôn viên nhà Bác năm xưa cho khang trang, đẹp mắt. Mọi người vỗ tay hoan nghênh khi nghe Bác trả lời: “Bác chỉ thích hoa... khoai lang” (khoai lang là loại lương thực quan trọng của bà con Nghệ Tĩnh, đa năng đa ích, khi đã ra củ cũng là lúc nở hoa rất đẹp). Câu trả lời của Bác thật thiết thực với cuộc sống quê hương xứ Nghệ.

Có thể khẳng định, sống cần và kiệm- một thuộc tính đặc trưng của Bác Hồ trong mọi lúc, mọi nơi, thời bình cũng như thời chiến, cả đến khi tuổi về già.

Tháng 5/1965, ở tuổi 75, Người đã thấy mình là lớp người xưa nay hiếm theo lời thơ của Đỗ Phủ đời nhà Đường (Trung Quốc). Hồ Chủ tịch đã viết xong bản thảo di chúc đầu tiên. Phần nói về việc riêng cuối bản di chúc Bác viết:

“Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân, tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi..., đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”.

Đến khi bài di chúc chính thức Người viết ngày10/5/1969 công bố sau khi Bác từ trần ngày 2/9/1969, đã viết:

“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân”.

Hồ Chủ tịch vĩ đại là một người trong sáng, mẫu mực như thế đó, suốt đời sống giản dị, tiết kiệm công của, tiền bạc của nhân dân đã trở thành lẽ sống, là việc làm hàng ngày dù trên vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước- một nguyên thủ quốc gia.

Cần
Cần học gương Bác lâu dài
Cần người có đức có tài vì dân
Cần người tâm huyết chuyên cần
Cần người trí đức tinh thần sáng trong
Cần người dốc sức dốc lòng
Cần người xây đắp, non sông huy hoàng
Cần người dũng cảm xung phong
Để dẹp tham nhũng, hại dân lộng hành
Cần xua sâu mọt hôi tanh
Làm cho đất nước yên lành, ấm no!
NGUYỄN VĂN CHÍNH

THẢO VÂN-st

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh