Kỷ niệm 40 năm ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” (27/1/1973-27/1/2013)

Hiệp định Pari-Mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam

Cập nhật, 14:56, Thứ Sáu, 08/02/2013 (GMT+7)

Sau năm 1954, thực hiện âm mưu xâm lược nước ta và áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở Đông Dương, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, can thiệp vào Việt Nam, xé bỏ Hiệp định Giơ- ne - vơ, ủng hộ, giúp đỡ Ngô Đình Diệm lập chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam.

Chính quyền Diệm- Nhu đã dồn dân lập ấp chiến lược, khủng bố dã man những người kháng chiến, gây lòng hận thù trên khắp miền Nam.

Năm 1960, nhân dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên đồng khởi làm tan rã từng mảng lớn chính quyền ngụy; lực lượng cách mạng lớn mạnh nhanh chóng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập.

Năm 1964, Mỹ cho quân đổ bộ vào miền Nam thực hiện “chiến tranh cục bộ” và phát động không quân đánh phá miền Bắc.

Thắng lợi của quân và dân miền Bắc bắn rơi nhiều máy bay, phá hủy nhiều tàu chiến, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân Mỹ; cùng với thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - Xuân 1968 đã giáng đòn sấm sét vào quân Mỹ- ngụy, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn ra tuyên bố hạn chế ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Pari.

Ngày 13/5/1968, diễn ra cuộc đàm phán chính thức hai bên giữa đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thuỷ đứng đầu và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ do Hariman đứng đầu.

Phái đoàn Việt Nam khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam là: trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan hai bên.

Hội nghị Hai bên ở Pari sau nhiều phiên họp trong năm 1968 vẫn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản, nhưng đã mở đầu cho một thời kỳ Việt Nam tiến công trực diện Mỹ về ngoại giao trên bàn hội nghị.

Trước quan điểm đúng đắn, thái độ kiên quyết của phái đoàn ta, những thiệt hại nặng nề trên chiến trường và tình hình nước Mỹ trước ngày bầu Tổng thống, ngày 1/11/1968, Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấp nhận họp Hội nghị Pari để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam.

Sau sự kiện này, cuộc đấu tranh giữa ta và Mỹ xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và đã đi đến thống nhất Hội nghị Bốn bên bao gồm: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn).


Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế tại Paris.


Ngày 18/1/1969 diễn ra cuộc họp trù bị. Ngày 25/1/1969 Hội nghị bốn bên về Việt Nam chính thức họp phiên đầu riên tại Pari. Từ phiên họp đầu tiên đến khi đạt được dự thảo Hiệp định Pari về Việt Nam (10/1972),

Hội nghị Bốn bên đã trải qua nhiều phiên họp chung công khai và nhiều cuộc tiếp xúc riêng. Lập trường Bốn bên mà thực chất là hai bên Việt Nam và Mỹ, giai đoạn đầu rất xa nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn thương lượng đến mức nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng.

Trong hai năm 1970-1971, trên chiến trường cả ta và địch đều tìm mọi cách vượt qua những khó khăn, xoay chuyển tình thế, cố giàng thắng lợi quân sự có ý nghĩa chiến lược để thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh mà cả hai phía đang giành giật trên bàn đàm phán những chưa đạt kết quả.

Để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11/1972, Ních-xơn dùng thủ đoạn lùi bước trong thương lượng với ta và xuống thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đầu tháng 10/1972, phái đoàn Mỹ đến Pari để nối lại cuộc đàm phá đã bị gián đoạn từ tháng 3/1972.

Trong cuộc tiếp xúc với đại diện Mỹ ngày 8/10/1972 ta đã đưa ra dự thảo”Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” và đề nghị thảo luận để đi đến ký kết. Ngày 17/10/1972, văn kiện Hiệp định được hoàn tất và hai bên đã thỏa thuận đến ngày 31/10/1972 sẽ ký chính thức. Trước khi ký, ngày 22/10/1972, Ních-xơn tuyên bố ngừng mọi hoạt động chống phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20.

Thỏa thuận xong, Mỹ dây dưa trì hoãn việc ký kết. Để ép ta nhân nhượng và ký một hiệp định do Mỹ đưa ra, Ních-xơn âm mưu giành một thắng lợi quân sự quyết định.

Cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội và Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972 là nhằm mục đích đó nhưng đã bị quân đội và nhân dân Việt Nam dũng cảm đánh bại ngay trên bầu trời Hà Nội, lập nên một Điện Biên Phủ trên không.

Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng dậy nổi, buộc chúng phải chấp nhận thất bại, nối lại đàm phán tại Pari.. Sau khi buộc phải chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống miền Bắc, Mỹ cử đại diện đến Pari để nối lại đàm phán.

Đứng trên tư thế người chiến thắng, phái đoàn ta tại đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ nội dung cơ bản của dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận.

Qua nhiều cuộc trao đổi, ngày 13/1/1973, bản dự thảo Hiệp định cơ bản được thông qua. Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23/1/1973 giữa đại diện hai Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ, được ký chính thức ngày 27/1/1973 giữa bốn Bộ trưởng đại diện các chính phủ tham dự Hội nghị (Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hòa) tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe (Pari). Hiệp định Pari có hiệu lực từ ngày ký chính thức .

Trong thời gian khoảng 5 năm, Hiệp định Pari đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.

Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Với Hiệp định Pari, ta đã “đánh cho Mỹ cút”, một thắng lợi lịch sử quan trọng tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam.

Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hội nghị Pari và Hiệp định Pari mãi mãi đi vào trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ. Hiệp định Pari còn là bằng chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

NGUYN VĂN THANH