Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống I-ta-li-a Gioóc-giô Na-pô-li-ta-nô

Cập nhật, 07:17, Thứ Ba, 22/01/2013 (GMT+7)

Lúc 17 giờ địa phương (23 giờ Hà Nội) ngày 20-1, chuyên cơ chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức cấp Nhà nước nước Cộng hòa I-ta-li-a đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Xi-am-pi-nô (Ciampino) ở thủ đô Rô-ma.

Lễ đón ngay tại cửa máy bay đã được tổ chức với hai hàng tiêu binh danh dự bồng súng đứng dọc thảm đỏ, Bộ trưởng Quốc phòng I-ta-li-a và Đội Hiến binh trong trang phục đại lễ đón chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống I-ta-li-a bắt tay trước khi hội đàm.

Lễ đón chính thức được tổ chức tại Phủ Tổng thống, xe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dừng trước Đội danh dự, Tổng thống Gioóc-giô Na-pô-li-ta-nô đã ra tận cửa xe đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau nghi thức chào cờ và duyệt đội danh dự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Gioóc-giô Na-pô-li-ta-nô đã bước vào hội đàm.

Tổng thống G. Na-pô-li-ta-nô nồng nhiệt chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a vào thời điểm hết sức ý nghĩa - kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 – 2013).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng được thăm lại I-ta-li-a trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Ngài Tổng thống, chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Ngài Tổng thống và nhân dân I-ta-li-a dành cho Tổng Bí thư và Đoàn; đồng thời tin tưởng rằng, chuyến thăm lần này sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Tổng Bí thư khẳng định, I-ta-li-a có vị trí quan trọng ở châu Âu và trên thế giới, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với I-ta-li-a trong tổng thể quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Tổng Bí thư bày tỏ cảm ơn sâu sắc sự ủng hộ nhiệt tình và giúp đỡ quý báu của nhân dân I-ta-li-a đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Ngài Tổng thống I-ta-li-a đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong sự phát triển của khu vực.

Trong bầu không khí cởi mở, chân thành, hai nhà lãnh đạo đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác trên nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian gần đây phát triển tốt đẹp. Đặc biệt, hai bên đánh giá cao ý nghĩa việc hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a nhân chuyến thăm này.

Đây là dấu mốc hết sức quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, trong bối cảnh kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai nước.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế – thương mại, hợp tác đầu tư, tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2013.
 
Đồng thời đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, an ninh - quốc phòng, củng cố, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận song phương, nỗ lực thực hiện các chương trình hợp tác.

Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối đối tác, tăng cường sự hiện diện tại mỗi nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực I-ta-li-a có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, kinh nghiệm quản lý, cơ khí chế tạo, y tế, môi trường, hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời tăng cường các chuyến thăm, nhất là các chuyến thăm cấp cao.

Trên bình diện đa phương, hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm về những vấn đề khu vực và quốc tế và nhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác trong các cơ chế trên diễn đàn quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN - EU.

Về tình hình khu vực, hai bên nhất trí cho rằng, các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, các bên nghiêm túc thực hiện DOC và sớm tiến tới ký kết COC, vì hòa bình, ổn định, tự do và an toàn hàng hải tại khu vực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống I-ta-li-a gặp gỡ báo chí sau hội đàm.

Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng mời Tổng thống Na-pô-li-ta-nô sang thăm Việt Nam. Tổng thống Na-pô-li-ta-nô đã vui vẻ nhận lời.

* Ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Na-pô-li-ta-nô đã có cuộc họp báo.

Phát biểu với các phóng viên báo chí tham dự, Tổng thống Na-pô-li-ta-nô đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước, những thành tựu rất ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, một đất nước phát triển năng động, đang vững vàng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới; có vị trí, vai trò quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.

Vì vậy, Tổng thống Na-pô-li-ta-nô khẳng định I-ta-li-a mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa để tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU. Tổng thống Na-pô-li-ta-nô bày tỏ mong muốn, với vị trí và vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác ASEAN và EU.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng vai trò, vị trí của I-ta-li-a ở châu Âu và trên thế giới, cảm ơn sự giúp đỡ của nhân dân I-ta-li-a với Việt Nam; đánh giá cao ý nghĩa việc hai nước chính thức ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm lần này trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
 
Để hiện thực hóa những kết quả tốt đẹp của chuyến thăm lần này, hai bên đã thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu.

Việt Nam cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối đối tác, tăng cường sự hiện diện tại mỗi nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực I-ta-li-a có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Cơ sở hạ tầng, cơ khí chế tạo, y tế, môi trường, hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Hai bên cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương, các cơ chế khu vực và toàn cầu. Tổng Bí thư tin tưởng chắc chắn rằng, kết quả hội đàm cũng như những thỏa thuận hợp tác sẽ được ký kết nhân dịp này sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và I-ta-li-a đi vào chiều sâu, thiết thực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển./.

* Trước đó, ngay sau lễ đón tại sân bay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Đại sứ quán và gặp cộng đồng người Việt Nam tại I-ta-li-a. Đông đảo kiều bào Việt Nam từ khắp các miền trên đất nước I-ta-li-a, có người ở cách xa hàng trăm ki-lô-mét đã hội tụ về Rô-ma chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi nghe Đại sứ Nguyễn Hoàng Long báo cáo tình hình, đại diện nhân sĩ, trí thức kiều bào đã phát biểu tâm tư, nguyện vọng. Nhiều trí thức tuổi cao, đã thành danh trên con đường lập nghiệp ở nước bạn bày tỏ vui mừng khi Đảng ta triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và cho rằng, đó là con đường đúng đắn để xây dựng Đảng vững mạnh, dân giàu, nước mạnh.

Một số đại biểu đã hiến kế để Việt kiều có thể mua được nhà ở Việt Nam, vừa tham gia tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, vừa thỏa tâm nguyện của lứa Việt kiều tuổi cao muốn được trở về sinh sống, làm ăn tại quê hương… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận và giải đáp thỏa đáng các vấn đề kiều bào nêu ra, được kiều bào hoan nghênh nồng nhiệt.

Theo QĐND Online