'Vít cổ' siêu pháo đài bay

03:12, 10/12/2012

Hỏng băng sóng 3cm, Quân chủng Phòng không - Không quân đã mời các chuyên gia Trung Quốc sang tìm cách sửa chữa, nhưng không có kết quả.

Hỏng băng sóng 3cm, Quân chủng Phòng không - Không quân đã mời các chuyên gia Trung Quốc sang tìm cách sửa chữa, nhưng không có kết quả.

"Trước đây, tôi cũng tin rằng những thiết bị điện tử có thể bảo vệ được B.52. Nhưng từ khi có chiếc B.52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Bắc Việt Nam, thì tôi không thể nào còn tin được rằng B.52 thuộc loại bất khả xâm phạm được nữa. Ngược lại, đến nay tôi cho rằng những lời người ta nói về B.52 chỉ là những lời quảng cáo có tính chất rao hàng.

Bởi vì, bản thân tôi đã 7 năm liên tục làm sỹ quan điện tử, lại bay trên chiếc B.52 có những thiết bị điện tử tối tân nhất, thế mà vẫn bị tên lửa bắn rơi. Hơn thế nữa, tôi còn bị một mảnh tên lửa quật vào cằm, để lại một vết sẹo dài...", trung tá William Conli, sỹ quan điều khiển thiết bị điện tử máy bay B.52 khai nhận khi bị bắt ở Hà Nội.

Người tạo đột biến cho tên lửa Bắc Việt

Người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, nhưng cặp mắt rất đỗi tinh anh ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong một căn hộ tập thể cũ, nhỏ ở Khu tập thể Nam Đồng (Quận Đống Đa, Hà Nội) tên là Nguyễn Ngọc Lạc, Đại tá, nguyên là Trưởng phòng Tên lửa (Cục Quân khí, Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng).

Thời điểm khi tiến hành việc khôi phục băng sóng 3cm, cải tiến ra-đa K-860 vốn được biên chế đồng bộ cho pháo 57mm, tạo đột biến cho hiệu suất bắn chuẩn của tên lửa SAM 2, ông là Thượng úy, Kỹ sư của Cục Quân khí.

Từ tháng 3/1971, ra đa K-860 của lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã có băng sóng 3cm, nhưng thực chất băng sóng đó bị hỏng không thể sử dụng được, nên ra-đa của pháo phòng không, khí tài tên lửa SAM-2; ra-đa cảnh giới tầm xa, ra-đa đo cao của phòng không; ra-đa bờ biển... chỉ còn dùng băng sóng 10 cm.

Chính vì vậy, khi Mỹ nắm được bước sóng đó, đối phương đã chế tạo tên lửa Sơ-rai đánh vào các trận địa, khí tài. Ngoài ra, để làm "mù" hệ thống phòng không Bắc Việt, quân đội Mỹ còn chế tạo máy phát nhiễu phá bước sóng 10 cm, gây khó khăn cho lực lượng phòng không, kể cả cao xạ và tên lửa, khiến hiệu suất chiến đấu không cao.

Cuối tháng 12/1972, khi B.52 tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng thì lúc này cũng là lúc ta đã khôi phục được băng sóng 3cm của ra-đa K-860. Đây chính là "yếu tố bất ngờ" với đối phương, vì Mỹ đã không kịp chế tạo loại tên lửa gây nhiễu cho bước sóng 3cm.

"Tôi còn nhớ, 3 ngày sau khi đã sửa được băng sóng 3cm, bộ đội cao xạ đã bắn rơi máy bay tiêm kích, bắt sống giặc lái. Một đồng chí cán bộ PK-KQ kể lại: "Khi khai thác viên phi công Mỹ, hắn cho biết là đã phát hiện loại bước sóng 3cm, nhưng cứ tưởng là sóng ra-đa trên máy bay MIG của Bắc Việt Nam, chứ không ngờ là ra-đa phòng không.

Đại tá Lạc cho hay: Trước đây, ông từng được giao quản lý khí tài tên lửa SAM-2, nên nghiên cứu và biết rõ tính năng, kỹ chiến thuật của loại tên lửa này và có thể vận dụng ra đa K-860 để hỗ trợ xác định mục tiêu B.52.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ do sự phân cấp nên Cục Quân khí có nhiệm vụ chỉ tiếp nhận vũ khí, đạn dược để cất giữ, cấp phát và hướng dẫn cho các đơn vị sử dụng, khai thác, nên ông cũng không biết tình trạng khí tài như thế nào. Tình cờ, có một đồng chí cán bộ quân khí của Quân chủng PK-KQ cho biết: "Đơn vị vừa đưa ra-đa K-860 về xưởng để sửa chữa do cả hai băng sóng 1 và 2 đều hỏng. Đây là tình trạng chung của đơn vị".

Thấy vậy, thượng úy Lạc đã báo cáo với cấp trên, đề nghị được trực tiếp đến đơn vị xem tình hình hư hỏng như thế nào. Trước đó, việc ra-đa K-860 hỏng băng sóng 3cm Quân chủng PK-KQ đã mời các chuyên gia Trung Quốc sang tìm cách sửa chữa, nhưng đều không có kết quả.


Ảnh tư liệu

Ngay từ khi bàn giao khí tài ra-đa K-860, do phát hiện không có tài liệu về nguyên lý, cấu tạo của băng sóng 3cm, nên chàng thượng úy trẻ Ngyễn Ngọc Lạc đã lo lắng: nếu không hiểu rõ nguyên lý, cấu tạo thì khi hư hỏng sẽ không thể tìm được nguyên nhân và cách khắc phục. Chính từ những trăn trở đó, ông đã chủ động tìm mọi cách kiếm tài liệu kỹ thuật về ra-đa để nghiên cứu.

"Ngày đó, khi ghé qua hiệu sách Tràng Tiền, rất may tôi đã tìm mua được 3 cuốn tài liệu tiếng Nga và tiếng Trung Quốc có liên quan đến kỹ thuật ra-đa. Về nhà tôi đã nghiền ngẫm mất gần 2 năm trời để đối chiếu với các chi tiết cao tần của ra-đa K-860 và cuối cùng cũng đã hiểu được nguyên lý hoạt động của băng sóng 3cm.

Khi đó, lại trùng với thời điểm tôi vừa biết ra-đa K-860 bị hỏng băng sóng 3cm. Qua nghiên cứu, chúng tôi đã bắt được bệnh và nguyên nhân hư hỏng và cùng nhau quyết tâm sửa cho bằng được", đại tác Lạc cười hiền từ.

Trước tình hình đó, Tổng Cục Hậu cần do Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (Chủ nhiệm Tổng cục) chủ trì đã tổ chức Hội nghị cán bộ để bàn và phân công giải quyết những vấn đề về kỹ thuật. Thượng úy, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc đã đề xuất được trực tiếp tổ chức thí điểm ra-đa K-860 với 2 băng sóng của một tiểu đoàn tên lửa thuộc Sư đoàn 361 đóng quân ở Hà Nội.

Kết quả thử nghiệm thành công, ra-đa có băng sóng 3cm đã hỗ trợ được cho khí tài tên lửa xác định mục tiêu tốt, sau đó bàn giao cho Quân chủng PK-KQ tiếp tục ứng dụng chiến đấu trong đợt Mỹ đánh phá 12 ngày đêm cuối năm 1972 trong chiến dịch Linerbacker 2. Ra-đa K-860 cải tiến đã vận dụng cho tên lửa SAM-2 xác định B.52 ở cự ly 30km, giúp người chỉ huy và các trắc thủ quyết định phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu chính xác.

"Đôi mắt" của những con Én bạc

Để có những chuyến xuất kích kịp thời, đến đúng vị trí, đánh trúng mục tiêu, hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn, đánh chắc thắng của những "con én bạc" MIG 21 đối đầu với lực lượng hùng hậu bảo vệ các pháo đài bay B.52, phải có những đôi mắt nhìn xuyên đêm lẫn ngày qua màn hình ra-đa: các sỹ quan dẫn đường bay của MIG.

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nhớ lại: Để đánh được B.52, lực lượng PK-KQ phải mất 3 năm, 3 tháng nghiên cứu cách đánh ở Quảng Bình. 3 tháng tập trung cao điểm nhất là tháng 8,9,10 với những sỹ quan dẫn đường gạo cội có kinh nghiệm dẫn bay, có độ nhạy cảm và tinh thần dám chịu trách nhiệm.

Hàng loạt cái tên sỹ quan dẫn đường ở Sở chỉ huy đã trở thành quen thuộc với các phi công lái máy bay MIG 21 trong những ngày đối đầu với không quân Mỹ tháng 12/1972: Lê Thành Chơn, Tạ Quốc Hưng, Lê Thiết Hùng, Hoàng Kế Thiện, Phạm Văn Khả, Hà Đăng Khoa, Trần Quang Kính, Đào Ngọc Ngư, Phạm Minh Cậy...

Trong một ngôi nhà nhỏ nằm trên phố Tân Mai (Hà Nội), Đại tá Tạ Quốc Hưng nhớ lại: Đến thời điểm bước vào chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, bộ đội PK-KQ đã có 8 năm kinh nghiệm chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Thế nhưng, khi vào cuộc chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ở chiến trường phía Bắc, chúng ta luôn có ưu thế về dẫn đường trực tiếp cho phi công. Khi vào chiến trường khu 4, chúng ta mới gặp dẫn đường đối kháng. Lúc này Mỹ đã đưa các tàu dẫn đường vào vùng biển Đông nên đã gây cho ta rất nhiều khó khăn. Từ đó những trận không chiến trở nên vô cùng ác liệt.

Mọi hoạt động của không quân ta ở vùng này đều bị Mỹ theo dõi giám sát chặt chẽ. Chỉ cần máy bay của ta bay lên độ cao 2000m - 3000m là tiêm kích đối phương từ các khu vực được dẫn đến vây chặt. Mà MIG thường hoạt động chiến đấu ban đêm là chủ yếu. Đánh đêm, phi công thiếu sự chỉ huy, dẫn đường trực tiếp từ mặt đất là đã mất đi những yếu tố chiến thuật có lợi ban đầu. Thêm vào đó, phi công ta thường phải hoạt động đơn lẻ nên dễ bị địch tập trung lực lượng tiêm kích đánh chặn không cho tiếp cận B.52.

Mặt khác, mục tiêu trọng yếu của chiến dịch là thành phố Hà Nội và Hải Phòng... trong khi đó hầu hết các Sở chỉ huy cơ bản của các Trung đoàn bay lại nằm ở phía trong nên bị nhiễu rất nặng. Do đó không thể chỉ huy kịp thời và liên tục cho phi công được vì thiếu các dữ liệu về máy bay đối phương. Chúng ta chỉ có duy nhất một Sở chỉ huy vòng ngoài ở phía tây nam Hà Nội hơn 100 km, song do bị đánh phá thường xuyên nên cũng ảnh hưởng rất nhiều.

Để bảo đảm dẫn đường cho không quân đánh chặn đúng B.52 thì vấn đề bảo đảm tình báo đủ và liên tục của ra-đa là quan trọng nhất. Thông thường trên mỗi sân bay cơ bản có 1 đơn vị ra-đa bảo đảm dẫn đường cho không quân chiến đấu và huấn luyện, Nhưng khi chiến dịch tập kích đường không diễn ra, tất cả các sân bay đều bị đánh phá và không chỉ một lần. Vì vậy ta phải trực chiến ở những sân bay cơ động, không có ra-đa bảo đảm cho dẫn đường.

Mặt khác, các đơn vị ra-đa ở phía trong, gần các mục tiêu đánh phá thường bị nhiễu rất nặng nên không thể cung cấp tin tức tình báo đủ và liên tục cho dẫn đường. Cất cánh chiến đấu ban đêm, phi công phụ thuộc rất nhiều vào các thông báo của dẫn đường, nhất là các số liệu về địch. Thiếu các thông tin này, phi công sẽ rơi vào thế bị động. Trong không chiến, bị động thì khó mà giành được thắng lợi.

Dẫn đường cho phi công đánh chặn địch trong màn nhiễu ban ngày đã khó, dẫn đường đánh B.52 trong màn nhiễu ban đêm còn khó hơn nhiều. Bởi lẽ phi công chỉ có thể phát hiện máy bay đối phương khi chúng bật đèn bay hoặc ra-đa trên máy bay. Trong thực tế, những tín hiệu của B.52 thật và của các tốp tiêm kích giả dạng B.52 bay trong màn nhiễu, dẫn đường rất khó phân biệt chính xác. Vì chúng có cùng tốc độ và độ cao như nhau.

Do vậy, để có được những trận không chiến thắng lợi, đội ngũ sỹ quan dẫn đường đã phải rút kinh nghiệm từ chính những lần dẫn đường cho phi công đánh chặn vào các tốp B.52 giả.

Ngay sau chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", rõ ràng từ cuộc tập kích đường không tháng 12/1972, các loại trang bị, vũ khí kỹ thuật cao đã được sử dụng phổ biến hơn nhiều. Một số trang bị, vũ khí mới xuất hiện như máy bay tàng hình, hệ thống cảnh giới báo động sớm (AWACS), tên lửa hành trình, các thiết bị tác chiến điện tử... có thể sẽ làm thay đổi cơ bản nghệ thuật tác chiến của không quân trong tương lai.

Theo VietNamNet

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh