Về Đục Dông nghe chuyện xây dựng ấp văn hóa

07:12, 13/12/2012

Hơn 20 năm được dân tin bầu vào chức Bí thư ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn), ông Bùi Thành Cam (chú Sáu Cam, 54 tuổi) là người truyền cảm hứng cho người dân cùng chung tay đưa Đục Dông trở thành ấp văn hóa theo tiêu chí mới.

Hơn 20 năm được dân tin bầu vào chức Bí thư ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn), ông Bùi Thành Cam (chú Sáu Cam, 54 tuổi) là người truyền cảm hứng cho người dân cùng chung tay đưa Đục Dông trở thành ấp văn hóa theo tiêu chí mới.


Chú Sáu Cam (thứ nhất từ trái qua) cùng người dân trong ấp thăm đồng lúa thơm.


Trước quán cà phê ngang UBND xã Thiện Mỹ, nghe chúng tôi hỏi thăm nhà Bí thư ấp Đục Dông, anh chủ quán cởi mở: “Anh chạy hơn cây số, tới cổng An ninh nhân dân ấp Cây Điệp, rồi chạy vô tiếp, nhà chú Sáu ở mị mị trong ấp nhưng hỏi thăm thì ai cũng biết”.

Chạy dọc theo con đường đan nhỏ vào ấp Đục Dông, chúng tôi băng qua mấy cánh đồng lúa đang trĩu hạt thoảng mùi thơm ngọt, rồi xuyên qua những vườn cây xanh mát. Chúng tôi hỏi thăm tiếp nhà chú Sáu Cam, mọi người nhiệt tình chỉ: “Chạy tiếp một đoạn, phía sân nhà ổng làm trụ sở ấp luôn đó”.

“Đường đan hơi nhỏ, tụi con không quen nên khó chạy phải không? Năm sau đường liên ấp được mở rộng rồi, tụi con về đây chạy khỏe re”- chú Sáu cười đón chúng tôi bằng câu hỏi thăm thân tình. Khoảng sân rộng trước nhà chú ngoài mấy cây kiểng được tỉa tót, còn lại là bàn ghế đặt đầy sân để dành họp… ấp. Bên những ly trà đá đường mát lạnh, cuộc trò chuyện rôm rả về ấp văn hóa bắt đầu.

Chú Sáu kể: Con đường đan liên ấp này được làm đầu tiên của tỉnh đó. Trước, cán bộ huyện, tỉnh về ấp làm việc mà không có người dẫn đường là không biết đường ra đâu. Đây là vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ, làm bàn đạp tấn công thị trấn.

Sau giải phóng, vùng này vẫn còn tách biệt bởi ruộng vườn không hà, hổng có đường đi. Rồi tỉnh mở rộng phong trào giao thông nông thôn, chú họp dân trong ấp lại, mọi người đồng tình cùng nhau xẻ vườn, xẻ ruộng; cùng nhau mần đường nên làm được đường đan dài hơn 4 cây số rưỡi.

Nhấp ngụm nước, chú Sáu lại cười hào sảng: “Hồi đó, mần đường vui lắm. Đàn ông, thanh niên ra mần; mấy bà xúm lại phụ nấu nướng như đám cưới. Tụi tui mua “mão” mấy bầy vịt đẻ. Mần mệt lên ăn nên cười vui quên mệt luôn”.

Rồi chú nhìn sang thím (Nguyễn Thị Ngọc Sương, 53 tuổi) đầy yêu thương. Chú bảo, chú có thời gian dành cho việc Đảng, việc dân là nhờ thím ở nhà chăm sóc vườn tược, làm việc nhà, lo cho con cái.

Thím Sáu tâm sự: “Thấy ảnh làm nhiệt tình, được dân tin tưởng, nên cô phụ hợ chăm sóc con cái để ảnh yên tâm mần. Mà có lúc nào ảnh ngơi việc đâu? Năm ngoái ảnh bệnh nằm viện trên Sài Gòn hơn 3 tháng mà dưới này làm gì cũng gọi điện lên hỏi ý kiến ảnh. Khi xuất viện về, ảnh tiếp tục làm người… của dân”.

Sau tuyến đường đan, chú bắt tay vào việc vận động người dân nạo vét thủy lợi nội đồng để chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất. Ấp Đục Dông và một số ấp khác của xã Thiện Mỹ đã hình thành một vùng lúa thơm với năng suất rất cao giúp người dân nâng cao thu nhập.

Do đó, việc chủ động tưới tiêu được chính quyền quan tâm và vận động người dân cùng thực hiện. Chỉ sau vài năm, từ khi có chủ trương của xã, chú đã vận động nhân dân nạo vét và gia cố 5 tuyến kinh chính: Năm Hoảnh, Năm Già, Năm Nghề, Tư Huyền, Ba Luyến với chiều dài trên 12.000m. Khi hoàn thành các tuyến kinh, đã đảm bảo khép kín và phục vụ tưới tiêu 221ha, trong đó có 121ha lúa.

Phó Trưởng ấp Đục Dông- Nguyễn Văn Đạt cho biết: “Khi nhận được chủ trương từ xã, chú Sáu về họp chi bộ để thống nhất ý kiến, sau đó triển khai ra dân. Khi muốn thực hiện công trình hay cuộc vận động gì, chú cũng bàn bạc với chi bộ để tạo sự thống nhất từ trong nội bộ”.

Cũng theo Phó trưởng ấp Nguyễn Văn Đạt, giờ đây người dân trong ấp đi làm cỏ, xịt thuốc, bón phân… đều có thể chạy xe máy tới ruộng. Tất cả các công đoạn trên đồng đều cơ giới hóa hết.

Để làm được điều này, từ vài năm trở lại đây, chú Sáu Cam đã vận động người dân làm đường, xây cầu để máy gặt đập liên hợp có thể đến được mọi cánh đồng. Hôm chúng tôi đến, ấp vừa tổ chức khánh thành cầu với chi phí xây dựng trên 24 triệu đồng được huy động từ sức dân. Trong đó có hộ sẵn sàng hiến trên 600m2 đất để làm đường đi cho máy gặt đập liên hợp.


Chú Sáu Cam vận động từ sức dân để có cầu ngang kinh vừa mới khánh thành.

Chú Sáu chia sẻ kinh nghiệm: “Tất cả chuyện chú làm đều vì lợi ích của người dân. Trước khi làm, tổ chức họp dân lấy ý kiến, nếu 100% dân đồng ý thì tiến hành làm”. Giống như chuyện làm cầu mới đây, người dân ở một khu vực bức xúc vì máy gặt đập liên hợp không thể qua. Thế là chú Sáu họp dân ở khu vực đó bàn chuyện làm cầu, mở đường. Thế là họ đồng ý cái rụp.

Không chỉ lo phát triển kinh tế, xây cầu, làm đường… phong trào xây dựng đời sống văn hóa và chăm lo hộ nghèo ở ấp Đục Dông rất tốt. Chú Sáu đã giao các đoàn thể hàng năm tổ chức từ 5- 7 lần phát quang, làm hàng rào trên các tuyến đường trong ấp.

Từ 3 năm nay, mỗi hộ nghèo khi có người thân qua đời được hỗ trợ 6 triệu đồng. Tính đến nay, ấp chỉ còn 6 hộ khó khăn về nhà ở. Trong năm 2012, ấp kéo giảm 8 hộ nghèo và hiện chỉ còn 17 hộ (chiếm 6,9%).

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thiện Mỹ- Lê Văn Nỉ cho biết: “Ấp Đục Dông đã có sự phát triển vượt bậc, chi bộ ấp đạt trong sạch vững mạnh 4 năm liền. Năm 2013, ấp chuẩn bị được công nhận danh hiệu ấp văn hóa theo tiêu chí mới. Và để đạt được thành quả ngày hôm nay, vai trò của đồng chí Sáu Cam là rất lớn”.

Bài, ảnh: THANH QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh