Trung tướng Phạm Tuân và chiếc B.52 đầu tiên bị hạ

04:12, 14/12/2012

Không phải đến những ngày cuối tháng 12 năm ấy tôi mới đánh B.52, mà vào những năm trước đã được giao nhiệm vụ bay vào đường mòn Hồ Chí Minh với mục tiêu chính là phá đội hình của B.52 nhằm bảo vệ cho bộ đội hành quân. Lúc đó, nhiệm vụ này gần như “có đi không có về”, nhưng chúng tôi vẫn trở về trong sự tin tưởng và ngạc nhiên của đồng đội.

1. Theo hẹn, đúng 7h30 tối, chúng tôi đến nhà Trung tướng Phạm Tuân - người bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên. Thân hình vạm vỡ, săn chắc, Phạm Tuân bước ra bắt tay chúng tôi thật chặt.

Không để ý lắm đến những câu hỏi chúng tôi đặt ra, những điều ông nói đầu tiên là về công tác tuyên truyền, trong đó đặc biệt là việc giới thiệu lịch sử cho đúng. Theo ông, đó mới là cái khó, bởi những nhân chứng của sự kiện rồi cũng sẽ lần lượt ra đi.

Trung tướng Phạm Tuân: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô.


Trở lại chủ đề “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 40 năm trước, Trung tướng Phạm Tuân kể: “Không phải đến những ngày cuối tháng 12 năm ấy tôi mới đánh B.52, mà vào những năm trước đã được giao nhiệm vụ bay vào đường mòn Hồ Chí Minh với mục tiêu chính là phá đội hình của B.52 nhằm bảo vệ cho bộ đội hành quân. Lúc đó, nhiệm vụ này gần như “có đi không có về”, nhưng chúng tôi vẫn trở về trong sự tin tưởng và ngạc nhiên của đồng đội.

Trước và trong chiến dịch 12 ngày đêm đó, chúng tôi có hai nhiệm vụ chính: Bảo vệ mục tiêu (các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước ở Hà Nội) và tiêu diệt địch. Trong đó, bảo vệ mục tiêu là nhiệm vụ được ưu tiên, bởi lẽ, sức hủy diệt của B.52 là vô cùng lớn. Mỗi chiếc mang trên mình 30 tấn bom và mỗi đêm có hàng chục lượt chiếc B.52 lũ lượt vào cùng với hàng trăm lượt các loại tiêm kích đi bảo vệ pháo đài bay.

2. Trong chiến dịch 12 ngày đêm đó, khi địch chủ động đánh ta vào ban đêm, chúng đã loại khoảng 80% số phi công của ta, bởi lẽ, không phải phi công nào cũng có thể bay và chiến đấu về đêm. Những ngày đó, đường băng của tất cả các sân bay đều bị đánh phá ác liệt. Nhưng cứ bị bom thì chúng ta lại lấp và máy bay của ta vẫn cứ xuất kích trên những đường băng như vậy, lại vào ban đêm nên rất khó khăn. Khó, nhưng chúng tôi được lệnh vẫn cất cánh bằng mọi giá.

Ngay đêm đầu xuất kích (18.12.1972), tôi đã phát hiện được B.52, tuy nhiên, những đêm đầu tiên, chúng tôi không thể tiêu diệt được B.52. Ngày 25.12.1972, chúng tôi cùng ngồi rút kinh nghiệm, tìm những quy luật, sơ hở của B.52 để đánh. Thay vì bay thấp để tránh địch phát hiện, chúng tôi lấy độ cao để tránh địch (mig21 có thể bay cao tới 20km, vận tốc tối đa 2.100km/h, còn B.52 thường bay ở độ cao từ 10- 11km, tốc độ là 900km/h. Còn các chiếc tiêm kích chỉ có thể đánh tốt ở độ cao 6km). Như vậy, vừa tránh được đạn cao xạ của ta bắn nhầm, tránh được sự bám đuổi của hàng chục chiếc tiêm kích bảo vệ cho B52.

Ngày 26.12.1972 thời tiết xấu.

Đêm 27.12.1972, sau khi hạ độ cao để tiếp cận phía sau đội hình 3 chiếc B.52 (một đợt công kích, chúng có nhiều tốp B.52), còn hai bên và phía sau của nó nhung nhúc những tiêm kích hộ tống. Vì bay theo đội hình, chúng đều bật đèn (B.52 có 4 đèn, tiêm kích F4 có 3 đèn) nên bằng mắt thường, việc phân biệt B.52 với các tiêm kích không khó. Cũng vì đêm tối, chúng ta chỉ có một chiếc máy bay lên chiến đấu nên cũng dễ hòa lẫn.

Khi cách B.52 ở khoảng cách 10km, dưới đất bắt đầu nhắc nhở. Tới cự ly 3km, tôi được lệnh bắn, thoát ly bên trái, nhưng nhắc đến lần thứ 3, ở cự ly 1,5-2km, tôi mới quyết định bắn cùng lúc 2 quả tên lửa. Khi thấy điểm nổ, tôi hô to “máy bay đã cháy”. Khi bắn xong, tôi kéo máy lên và lộn ngược lại thấy máy bay địch cháy sáng rực. Lệnh từ mặt đất, yêu cầu tôi phải về ngay. Và đường băng cũng vừa mới bị băm nát, lúc hạ cánh máy bay của tôi bị lộn nhào.

3. Hồi đó, viên phi công Mỹ Kittinggo đi thị sát trên chiếc F21 - một trong những tay lái nhiều giờ nhất nước Mỹ - không tin rằng bị máy bay của ta bắn hạ - nên không chịu nói chuyện với bất cứ một ai. Khi chụp ảnh, hắn vẫn luôn giơ hai ngón tay hình chữ V (biểu tượng của chiến thắng!). Chỉ sau khi anh Ngô Duy Thư (người bắn hạ chiếc F21 do Kittinggo lái) và tôi vào nói về những đường bay, cách tiếp cận và bắn như thế nào Kittinggo mới tin, y bắt đầu chuyện trò khá thoải mái.

Theo LĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh