Điều kiện được xác nhận tương đương trung cấp lý luận chính trị

11:09, 25/09/2015

Ông Huỳnh Hữu Minh, ngụ Trà Ôn hỏi: Nghe nói, những người đã tốt nghiệp ở các trường đại học của các trường chuyên ngành kinh tế- quản trị, kinh doanh, khoa học- xã hội và nhân văn ở trong nước thì sẽ được công nhận có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Vậy, cụ thể trường hợp nào được công nhận trình độ trung cấp lý luận chính trị?

Ông Huỳnh Hữu Minh, ngụ Trà Ôn hỏi: Nghe nói, những người đã tốt nghiệp ở các trường đại học của các trường chuyên ngành kinh tế- quản trị, kinh doanh, khoa học- xã hội và nhân văn ở trong nước thì sẽ được công nhận có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Vậy, cụ thể trường hợp nào được công nhận trình độ trung cấp lý luận chính trị?

Sau khi nhận được thư ông, chúng tôi đã liên hệ với Trường Chính trị Phạm Hùng và được trả lời như sau:

Căn cứ Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đã học đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Căn cứ Hướng dẫn số 03/HD-HVCT-HCQG ngày 15/3/2011 của Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về Hướng dẫn chương trình để xác định trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị theo Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X).

Ngày 8/4/2011, Trường Chính trị Phạm Hùng có Hướng dẫn số 104/TCT về việc xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị. Cụ thể như sau:

Về điều kiện được xác nhận tương đương trung cấp lý luận chính trị:

Chương trình lý luận chính trị mà cán bộ, đảng viên đã học được tính tương đương so với chương trình trung cấp lý luận chính trị được lấy làm chuẩn để đối chiếu xác nhận, khi đã hội đủ 2 điều kiện sau:

- Về số tiết học, có ít nhất 80% số tiết lên lớp trở lên.

Chương trình trung cấp lý luận chính trị được lấy làm chuẩn là 892 tiết thì chương trình lý luận chính trị mà cán bộ, đảng viên đã học phải có số tiết từ 714 tiết hoặc 48 đơn vị học trình trở lên.

- Về số môn học, có ít nhất 75% số môn học trở lên.

Chương trình trung cấp lý luận chính trị được lấy làm chuẩn là 12 môn học thì chương trình lý luận chính trị mà cán bộ, đảng viên đã học phải có số môn học từ 9 môn trở lên.

Chương trình trung cấp lý luận chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 484/2002/QĐ-HVCTQG ngày 11/12/2002 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Triết học Mác- Lênin: 60 tiết, Kinh tế chính trị Mác- Lênin và một số vấn đề về tổ chức, quản lý kinh tế ở Việt Nam: 144 tiết; Chủ nghĩa xã hội khoa học và chính trị học: 72 tiết; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 32 tiết; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 44 tiết; Văn hóa, xã hội: 52 tiết; Tâm lý học xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý: 28 tiết; Một số vấn đề về quốc phòng, an ninh và đối ngoại: 64 tiết; Nhà nước và pháp luật, quản lý hành chính: 216 tiết; Xây dựng Đảng: 92 tiết; Công tác dân vận: 56 tiết; Tình hình và nhiệm vụ của địa phương: 32 tiết.

Cán bộ, đảng viên xét thấy chương trình lý luận chính trị mà mình đã học hội đủ 2 điều kiện nêu trên thì làm hồ sơ gửi ban tổ chức huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Hồ sơ gồm: đơn đề nghị xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị; bằng tốt nghiệp, chứng chỉ; bảng điểm (có ghi tên môn học và số tiết hoặc đơn vị học trình) và có chứng thực.

Ban tổ chức huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tập hợp hồ sơ của cán bộ, đảng viên có nhu cầu xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị, lập danh sách và gửi công văn về Trường Chính trị Phạm Hùng từ ngày 1/7 đến ngày 15/7 hàng năm.

Thời gian cấp giấy xác nhận có trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị từ ngày 5/9 đến 20/9 hàng năm.

PHÒNG BẠN ĐỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh