Trách nhiệm hình sự khi điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của người khác

01:08, 02/08/2012

Xin tòa soạn cho biết, trách nhiệm hình sự khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của người khác được quy định như thế nào?

Xin tòa soạn cho biết, trách nhiệm hình sự khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của người khác được quy định như thế nào?

Hồ Thị Cúc (Mang Thít)

Trả lời: Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2009, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là một trong những hành vi bị cấm. Mức nồng độ cồn tối đa được quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ là 50 mlg/100ml máu hoặc 0,25 mlg/1 lít khí thở.

Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá quy định trên mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông: người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng.

PHÒNG BẠN ĐỌC

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh