Lúa Đông Xuân 2022-2023 trong tỉnh đang vào thu hoạch rộ. Ngoài lúa, nhiều nơi nông dân còn thu lợi được việc sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm rơm rạ.
Nông dân ở xã Thanh Đức (Long Hồ) chất cuộn rơm chuẩn bị trồng nấm rơm. |
Lúa Đông Xuân 2022-2023 trong tỉnh đang vào thu hoạch rộ. Ngoài lúa, nhiều nơi nông dân còn thu lợi được việc sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm rơm rạ.
Rơm rạ sau thu hoạch thường được sử dụng theo 5 cách phổ biến là làm phân bón, thức ăn cho trâu bò, trồng nấm rơm, dùng che phủ liếp rẫy trồng rau, màu, phủ mô trồng cây ăn trái và bán rơm cuộn. Trong đó, sử dụng rơm để trồng nấm hay bán rơm cuộn là thu lợi nhanh và cao nhất.
Bình quân mỗi công lúa cho ra được 14-15 cuộn rơm, nếu giá bán từ 30.000-40.000 đ/cuộn thì nông dân thu thêm từ 400.000-500.000 đ/công và còn giúp cho họ bớt gánh nặng thu gom rơm rạ sau thu hoạch hoặc giảm ô nhiễm môi trường do đốt đồng. Còn sử dụng rơm để trồng nấm rơm thì thu được thêm từ 1,5-2 triệu đồng/công.
Tuy nhiên, giá trị thu được từ 2 cách sử dụng trên không lớn so với công sức và thời gian bỏ ra để trồng lúa trong 3 tháng/vụ. Trên thế giới, người ta đã nghiên cứu ứng dụng rơm rạ phục vụ nhiều mục đích khác nhau trong sản xuất, đời sống. Ở Mỹ, rơm rạ dùng sản xuất ethanol và giấy. Thái Lan và Indonesia là những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á nhập khẩu rơm rạ để nghiên cứu và sản xuất điện. Rơm, rạ đốt lên sẽ sản sinh ra một lượng hơi nóng dùng để sản xuất điện… Trong nước cũng đã có những nghiên cứu, ứng dụng rơm rạ trong thực tiễn, như: ủ rơm rạ bằng men vi sinh để chế tạo phân hữu cơ bón lót cho cây trồng, cải tạo đất.
Do đó, cần nghiên cứu đa dạng hóa hơn nữa công dụng hoặc cách sử dụng mới để nâng cao giá trị của rơm rạ sau thu hoạch, không đơn thuần bán nguyên liệu thô rơm cuộn như hiện nay thì thật đáng tiếc!
Bài, ảnh: MỸ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin