"Hãy làm cùng chúng tôi chứ không phải cho chúng tôi"

Cập nhật, 13:30, Thứ Tư, 22/03/2023 (GMT+7)

(VLO) Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị hội chứng Down. Một điều tra dân số gần đây cho thấy, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó khoảng 1.400- 1.800 trẻ mắc phải hội chứng Down. Hội chứng Down là một rối loạn bẩm sinh, gây ra do thừa nhiễm sắc thể số 21.

Ngày 21/3 là Ngày Hội chứng Down thế giới có hàm ý đề cập đến tình trạng một người có 3 nhiễm sắc thể thứ 21. Từ sự rối loạn nhiễm sắc thể này, những người mắc hội chứng Down có xu hướng phát triển chậm hơn người bình thường.

Người bị Down thường gặp các vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng, khiếm khuyết ở tim, bệnh bạch cầu ác tính, vấn đề về tuyến giáp, thị lực, thính giác, giấc ngủ, mất trí nhớ.

Hội chứng Down có thể phát hiện qua sàng lọc trước sinh như siêu âm độ mờ da gáy; xét nghiệm sinh hóa kết hợp với tuổi của mẹ hay phân tích AND tự do của thai nhi trong máu mẹ.

Cũng vì thế mà từ trước tới nay, nhiều người vẫn có định kiến với người mắc hội chứng Down. Đối với những trẻ em không may mắc hội chứng Down thường bị định kiến không làm được gì, là gánh nặng cho xã hội.

Theo các chuyên gia, trẻ mắc hội chứng Down không thể điều trị khỏi, nhưng nếu được can thiệp sớm có thể giúp hòa nhập với cộng đồng và tự phục vụ bản thân. Dù khả năng tiếp thu bị hạn chế nhưng trẻ bị bệnh Down vẫn có thể học tập, chăm sóc bản thân.

Nhiều người có thể sống, làm việc, cống hiến cho xã hội như những người bình thường. Công tác chăm sóc, giáo dục từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng để giúp trẻ bị hội chứng Down hòa nhập.

Chủ đề của Ngày Hội chứng Down thế giới năm nay là “Hãy làm cùng chúng tôi chứ không phải cho chúng tôi”.

Thông điệp này là chìa khóa cho cách tiếp cận người khuyết tật dựa trên quyền con người. Những người mắc hội chứng Down hay bị coi là đối tượng của từ thiện, đáng được thương hại và dựa vào người khác để được hỗ trợ.

Thường thì những người ủng hộ họ làm mọi việc “Cho” người mắc Hội chứng này chứ không phải “Cùng” sát cánh với họ.

Do đó, tất cả mọi người cần cam kết tham gia cùng các tổ chức đại diện cho những người mắc hội chứng Down trong mọi quyết định và làm việc “Cùng” họ chứ không chỉ “Cho” họ.

SÔNG TRĂNG

Các tin khác: