Lâu nay, để phục vụ cho ngành xây dựng, khai thác cát sông đã trở nên khá phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL. Ngoài lợi ích kinh tế, hoạt động này làm mất dần hình thái sông đã có nhiều năm ở đồng bằng là bãi ngầm, bãi bồi, bãi nổi trên và ven các dòng sông lớn.
(VLO) Lâu nay, để phục vụ cho ngành xây dựng, khai thác cát sông đã trở nên khá phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL. Ngoài lợi ích kinh tế, hoạt động này làm mất dần hình thái sông đã có nhiều năm ở đồng bằng là bãi ngầm, bãi bồi, bãi nổi trên và ven các dòng sông lớn.
Đã từ lâu, sông Mekong mang phù sa về tô đắp cho vùng châu thổ ĐBSCL. Hai nhánh sông Tiền, sông Hậu cũng đã biết bao lần chuyển dòng, đổi hướng, có đoạn uốn cong, có đoạn thu hẹp, có đoạn mở rộng ra.
Ở những đoạn sông uốn cong, đoạn sông mở rộng, cạn lòng hình thành những bãi cát ngầm.
Nó được tôn cao thêm nhờ lượng phù sa, dần dà nhô lên trở thành những bãi ngầm, bãi nổi, bãi giữa (gồm cồn, cù lao) trên sông.
Rồi dân tụ về khai thác cồn, bãi, cù lao thành những vườn cây ăn trái, những ao hồ nuôi tôm cá. Dân cư phát triển, nhà cửa mọc lên thành những làng quê sung túc như cồn Ấu, cồn Khương, cồn Sơn, cù lao Tân Lập trên sông Hậu (thuộc TP Cần Thơ); cù lao Minh, cù lao Dài, cù lao Mây, cồn Sừng, cồn Thanh Long (thuộc tỉnh Vĩnh Long)...
Ban đầu, những bãi cát ngầm, bãi trầm tích sông ở đồng bằng được xếp vào loại tài nguyên khoáng sản, hạt cát là sa khoáng bởi chúng là loại vật liệu tuyệt vời trong xây dựng.
Trầm tích cát sông được “ưu ái” phân khu thành những mỏ cát sông, được đo đạc, tính toán chi tiết. Rồi công tác thăm dò, quy hoạch, cấp phép khai thác mỏ được tiến hành.
Những bãi trầm tích sông là nền tạo nên những cù lao, cồn sau này, không còn có cơ hội hình thành nữa vì nó đã bị khai thác để đáp ứng nhu cầu cát xây dựng.
Thực tế cho thấy, khai thác cát sông là rất cần thiết để phát triển kinh tế, vừa có lợi ích trong việc chỉnh trị sông, giúp dòng chảy thông thương, giảm thiểu sạt lở bờ sông, đi đôi đó là vấn đề bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, hình thái sông ngòi cũng rất quan trọng.
Do đó, để cho các bãi bồi, bãi nổi trên và ven sông có thể tồn tại, phát triển, tiến đến bảo tồn các cồn, cù lao, thiết nghĩ cần để lại, không quy hoạch, khai thác cát sông tại một số bãi bồi, bãi nổi nằm trên đoạn sông lớn.
Theo đó, nên để lại những bãi bồi, bãi nổi nằm giữa sông tại những đoạn sông rộng trên 1km để bãi hình thành, lớn dần ít làm dòng chảy lấn vào hai bờ và cản trở giao thông thủy.
Ở Vĩnh Long, có một số đoạn sông điển hình như: sông Cổ Chiên, đoạn từ phà Đình Khao đến đầu cù lao Phú Đa (thuộc địa phận xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long và xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre); đoạn thượng lưu cù lao Dài thuộc xã Chánh An (Mang Thít), Quới Thiện (Vũng Liêm); sông Hậu đoạn bờ Tây cù lao Mây (Trà Ôn).
MỸ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin