Nỗi buồn dừa khô...

07:11, 09/11/2022

Cùng chung cảnh ngộ với người trồng khoai lang, từ đầu năm 2022 đến nay, người trồng dừa lao đao vì giá dừa khô sụt giảm thê thảm. Hiện diện tích, sản lượng dừa khô trong tỉnh không nhỏ, nhà vườn đang lo vì không biết tiêu thụ sao cho hết…

 

Giá dừa thấp kéo dài, nhiều vựa dừa ở Vũng Liêm tạm ngưng hoạt động.
Giá dừa thấp kéo dài, nhiều vựa dừa ở Vũng Liêm tạm ngưng hoạt động.

Cùng chung cảnh ngộ với người trồng khoai lang, từ đầu năm 2022 đến nay, người trồng dừa lao đao vì giá dừa khô sụt giảm thê thảm. Hiện diện tích, sản lượng dừa khô trong tỉnh không nhỏ, nhà vườn đang lo vì không biết tiêu thụ sao cho hết…

Trên địa bàn tỉnh, cây dừa là cây lâu năm được trồng khắp nơi, nhiều nhất là các huyện bị nhiễm mặn: Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít. Do dễ trồng, ít đầu tư chăm sóc, thích nghi tốt với nhiều loại đất mà tất cả các bộ phận của cây dừa đều có công dụng, bán được hết. Do nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu lớn, vì vậy trong những năm gần đây, nhà vườn đã sẵn sàng triệt hạ những cây trồng kém hiệu quả kinh tế để trồng dừa, làm cho diện tích dừa tăng nhanh. Năm 2021, diện tích trồng dừa của tỉnh lên đến 10.200ha, sản lượng 134.800 tấn trái.

Trong 2 năm 2020 - 2021, có thời điểm giá dừa lên cao, nhiều nhà vườn trồng dừa trong tỉnh bán dừa khô tại vườn cho thương lái với giá 105.000 - 110.000 đ/chục (12 trái), dừa tươi 55.000 đ/chục, riêng giá bán lẻ tại các chợ và cửa hàng dao động từ 10.000 - 15.000 đ/trái, tùy loại lớn, nhỏ. Với mức giá này nhà vườn thu lợi nhuận khá, mỗi đợt bán dừa lời khoảng 20 triệu đồng/ha.

Thế nhưng, từ đầu năm 2022, giá dừa khô sụt giảm mạnh. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp - PTNT, hồi tháng 4, giá dừa khô tại huyện Vũng Liêm là 4.000 đ/trái (gần 50.000 đ/chục). Đến cuối tháng 6, tháng 7 giảm sâu còn 1.800 đ/trái, đây là đợt giảm mạnh nhất trong năm. Từ đầu tháng 9, giá dừa nhích lên một ít, từ 2.200 - 2.500 đ/trái (tương đương 25.000 - 30.000 đ/chục) và ổn định mức giá đó đến nay.

Bà Hà Thị Nga (ở ấp Chợ, xã Mỹ An, huyện Mang Thít) cho hay, những năm trước, 30 gốc dừa ta trồng trên gần 2 công vườn của bà không kịp ra trái để bán vì cứ 2 - 3 ngày là có thương lái đến dọ hỏi mua, mặc dù vườn dừa của bà nằm xa đường cái. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, thương lái chỉ đến mua dừa tươi, tự hái trái với giá 4.000 đ/trái, còn dừa khô thì không ai ngó ngàng tới. Để có tiền, bà phải lột một ít lượng dừa khô cỡ lớn đem ra chợ bán lẻ, còn phần lớn thì để chất đống, lên mộng hết!

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm, dừa là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích hiện có là 4.922,8ha, do giá cả thấp kéo dài nên hiệu quả kinh tế từ trồng dừa không cao, bình quân chỉ cho lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/ha/năm.

Một chuyên gia ở Sở Công Thương tỉnh cho biết, nguyên nhân chủ yếu làm dừa khô tồn đọng nhiều do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đang áp dụng chính sách “Zero COVID”, hạn chế nhập khẩu (kể cả tiểu ngạch). Do vậy, để giúp “giải cứu” trái dừa khô đang ế ẩm hiện nay, thiết nghĩ ngành chức năng cần tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu khác như: Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Phi, EU,... Ngoài sản phẩm cơm, chỉ xơ dừa,… cần chuyển đổi hình thức bán sản phẩm khác từ dừa khô, trong đó có mộng dừa (hay còn gọi là phôi dừa) hiện tiêu thụ được ở các đô thị lớn trong nước như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với giá từ 200.000 - 300.000 đ/kg tùy theo cỡ mộng, cao gấp 100 lần so với giá trái dừa thông thường (2.000 - 2.500 đ/trái). Được như vậy, nông dân cũng bớt khó khăn.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh