Đường nông thôn mau xuống cấp

Cập nhật, 14:14, Thứ Năm, 27/10/2022 (GMT+7)

 

   Đường nông thôn mau xuống cấp sau thời gian xây dựng không lâu.
Đường nông thôn mau xuống cấp sau thời gian xây dựng không lâu.

Đầu tư phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trong những năm qua làm thay đổi nhanh chóng diện mạo vùng quê, góp phần quan trọng trong xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, về quy hoạch, xây dựng và hiện trạng công trình hiện vẫn còn nhiều bất cập…

Hệ thống GTNT (gồm đường huyện và đường xã, liên ấp) toàn tỉnh có 84 tuyến đường huyện, tổng chiều dài 401km, tỷ lệ nhựa hóa đạt 98,75%; 1.368 tuyến đường xã tổng chiều dài 1.875,7km, tỷ lệ nhựa hóa đạt 82,25%. Ngoài ra, còn trên 3.600km đê bao thủy lợi kết hợp làm GTNT (trong đó có 2.151km được làm đường ấp). Đến nay, đường huyện đã có nâng cấp, song bề mặt đường còn hẹp chỉ đạt mức bề rộng tối thiểu của cấp kỹ thuật đường huyện, cần được đầu tư nâng cấp và mở rộng.

Thực tế, hệ thống GTNT hiện vẫn chưa thỏa mãn các yêu cầu về quy hoạch, kết cấu công trình cũng như hành lang bảo vệ công trình. Nhiều đường có đoạn quá cong, sát mé sông, mau xuống cấp. Nhiều tuyến đường huyện, đường xã có mặt không phẳng, dợn “sóng trâu” hoặc bị bong tróc, lỗ chỗ “ổ gà”, giặm vá nhiều chỗ, khói bụi vào mùa khô, càng xuống cấp hơn sau các mùa mưa lũ...

Nguyên nhân chủ yếu do địa chất công trình nền đất yếu, sông, kinh, rạch chằng chịt, hàng năm lại bị ngập lụt nên dễ bị lún, sụt, sạt lở. Do điều kiện đầu tư cho giao thông còn khó khăn như nguồn vốn đầu tư hạn chế, phần lớn các công trình được thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, kết hợp làm bờ bao ngăn lũ, ngăn triều, từ đó dẫn đến công nghệ thiết kế xây dựng công trình chưa tiên tiến, còn thiếu đầm nén nền đường, lớp nhựa đường mỏng, không đảm bảo đủ sức chịu tải… Ngoài ra, còn do việc thiếu kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải quá tải nên đường dễ bị hư hỏng.

Để giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi phải đổi mới cơ chế đầu tư phát triển hệ thống GTNT, từng bước hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến từ khâu quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ công trình. Do đó, để tạo tính đồng bộ trong phát triển hệ thống GTNT, ngành chức năng cần rà soát, điều chỉnh hướng quy hoạch, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa hệ thống GTNT để đáp ứng, ngang tầm với nhiệm vụ mới - mở đường phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG