Trao đổi việc đặt tên đường tại thị trấn Trà Ôn

02:11, 25/11/2016

Báo Vĩnh Long số 3927 phát hành ngày thứ năm 27/10/2016 ở mục diễn đàn trang 8 có bài "Góp ý việc đặt tên đường ở thị trấn Trà Ôn", tiểu đề số 1- Những con đường nên giữ lại tên nhân vật lịch sử. Tôi xin trao đổi đi sâu phần này có kê tên cụ thể 14 nhân vật.

Báo Vĩnh Long số 3927 phát hành ngày thứ năm 27/10/2016 ở mục diễn đàn trang 8 có bài “Góp ý việc đặt tên đường ở thị trấn Trà Ôn”, tiểu đề số 1- Những con đường nên giữ lại tên nhân vật lịch sử. Tôi xin trao đổi đi sâu phần này có kê tên cụ thể 14 nhân vật.

Như chúng ta biết, tên nhân vật được chọn đặt tên đường phải là nhân vật yêu nước có truyền thống nhằm giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau.

Do đó, trong 14 tên đường cũ do lịch sử để lại, có những tên nhân vật đã khẳng định rồi như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Lợi, Quang Trung, Lê Văn Duyệt, Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu), Trương Vĩnh Ký. Còn Gia Long và một số tên khác từ chế độ cũ để lại, chúng ta cần nghiên cứu kỹ mới có quyết định giữ lại, chứ không phải do tồn tại 60 năm mà giữ lại như trong bài tác giả Hoàng Đương đã nêu.

Thí dụ: tên đường Gia Long hiện nay chưa thấy nơi nào giữ hoặc đặt tên đường. Còn đường mang tên Đốc Phủ Yên gốc tại quê Trà Ôn.

Qua tiểu sử cụ thể như sau: Hàm Yên tên thật là Nguyễn Văn Yên, sinh năm 1878, tại thôn Tích Khánh, nay xã Tích Thiện (Trà Ôn) là 1 trong 5 anh em có nhiều ruộng đất cho thuê lấy tô tức. Từ năm 1909, làm Phó Cai Tổng Bình Lễ.

Từ 1931- 1937, làm Chánh Tổng, dùng nhiều thủ đoạn, cướp ruộng đất của nông dân, dùng giạ 38 lít đong lúa cho vay, dùng giạ 44,5 lít đong thu lúa ruộng. Năm 1920, được phong Huyện hàm danh dự vì hết lòng đóng góp nuôi thương binh Pháp “có công xâm lược” Việt Nam. Từ năm 1927- 1938, Đốc Phủ Sứ danh dự và được Pháp tặng Huân chương đệ ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh.

Từ 1930, ông kết hợp với thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng địa phương bị nhân dân lên án gay gắt. Ông có vợ, 5 con, có 2 người bị nghiện xì ke chết, con trai út Nguyễn Văn Nhờ- thiếu tá quân đội thực dân Pháp bị bắt làm tù binh trong trận Điện Biên Phủ sau đó được trao trả. Ông Nguyễn Văn Yên bị bệnh chết năm 1942, thọ 64 tuổi.

Hiểu tiểu sử ông cụ thể như thế thì việc giữ tên Đốc Phủ Yên cho đường phố Trà Ôn chắc không có ý nghĩa gì?

Do đó, chúng tôi thấy sau hơn 40 năm giải phóng, việc giữ, chỉnh lại, đặt tên đường mới là cần thiết, không để kéo dài nhưng phải nắm chắc tiểu sử nhân vật công khai để dân lựa chọn hoặc hội thảo rộng rãi để dân góp ý.

NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh