Tuy ít được dùng phổ biến hơn so với trước đây, nhưng nước mưa vẫn còn có ý nghĩa lớn đối với người dân, đặc biệt là vùng nông thôn. Năm nay được dự báo ít mưa, khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên người dân, tổ chức cần quan tâm đến việc hứng, trữ nguồn nước ngọt này dành cho mùa khô năm 2023-2024.
Mô hình một bể chứa nước mưa ở hộ gia đình. |
(VLO) Tuy ít được dùng phổ biến hơn so với trước đây, nhưng nước mưa vẫn còn có ý nghĩa lớn đối với người dân, đặc biệt là vùng nông thôn. Năm nay được dự báo ít mưa, khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên người dân, tổ chức cần quan tâm đến việc hứng, trữ nguồn nước ngọt này dành cho mùa khô năm 2023-2024.
Nước mưa đạt tiêu chuẩn sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt
Theo đánh giá của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Miền Nam, tài nguyên nước mưa ở Vĩnh Long khá dồi dào về số lượng và có chất lượng khá tốt, có thể sử dụng cho các mục đích ăn uống, sinh hoạt…
Các chỉ tiêu phân tích chất lượng đều đạt quy chuẩn quốc gia (QCVN 02: 2009/BYT). Tuy nhiên cần lưu ý về độ pH, đặc biệt khi chuyển sang mùa mưa thì pH có xu hướng axit hóa.
Tuy Vĩnh Long có mạng lưới sông, rạch chằn chịt với lượng nước mặt dồi dào, nhưng nước mưa rất có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trong mùa khô.
Đặc biệt là đối với bà con vùng nông thôn, vùng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng xa sông lớn và kể cả người dân thành thị.
Mưa cung cấp lượng nước đáng kể cho cây trồng, vật nuôi và cải thiện môi trường nước tại các dòng sông, kinh, rạch nội đồng, tháo chua, rửa phèn cho đồng ruộng.
Tận dụng nguồn nước mưa để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt, tưới cho cây trồng là giải pháp hay được nhiều nhà khoa học khuyến cáo để giảm áp lực khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm, nước mặt.
Còn đối với hộ gia đình, so với nước máy, sử dụng nước mưa có giá thành thấp hơn nhiều sẽ giúp tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt.
Tuy nhiên, hiện nay do có nguồn nước máy, vùng nông thôn và kể cả các đô thị dường như bỏ quên nguồn nước này. Hiện nguồn nước mưa cho chảy tràn trên mặt đất là chủ yếu, ít được hứng, trữ; chỉ một số ít hộ hứng nước mưa dùng để sinh hoạt.
Theo dự báo của ngành chuyên môn, do tác động của hiện tượng El Nino, thời tiết khu vực cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng (trong đó có Vĩnh Long) sẽ diễn biến dị thường, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt…
Vì vậy, để góp phần bổ sung lượng nước ngọt sử dụng trong mùa khô 2023-2024, các tổ chức, cá nhân cần quan tâm đến việc thu hứng, trữ nước mưa.
Hứng và trữ nước mưa như thế nào?
Nước mưa thông thường được hứng từ mái nhà. Tùy theo điều kiện của từng gia đình và mục đích sử dụng mà quyết định loại, kích cỡ dụng cụ chứa nước mưa (như hồ, bể, bồn, túi, lu, khạp…).
Các dụng cụ chứa nước này cần phải đậy kín để tránh côn trùng và động vật nhỏ chui vào, nhất là muỗi vằn lây truyền bệnh sốt xuất huyết hoặc có thể thả cá bảy màu để chúng ăn lăng quăng, muỗi.
Đối với mục đích sử dụng cho sinh hoạt, theo các nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ, một hồ hay bể chứa nước mưa hoàn chỉnh phải bao gồm cả phần mái hứng, máng thu, ống dẫn và bể chứa... Mái hứng hiệu quả nhất là mái ngói, mái tôn hoặc mái bằng đổ bê tông.
Nếu mái là mái lá thì nên lọc nước trước khi cho chảy vào bể chứa. Diện tích mái hứng cần đủ rộng để hứng đủ lượng nước mưa cần thiết đối với một gia đình, tối thiểu cần 25m2 mái hứng. Máng thu làm bằng tôn (có thể bằng ống tre, thân cây cau bổ đôi).
Máng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hứng, cần được treo đỡ cẩn thận để có thể hứng được nhiều nước nhất trong mỗi lần mưa. Bể chứa có thể là bể xây bằng gạch, bê tông cốt thép, bồn nhựa… có hình dáng kích thước khác nhau. Dung tích của bể thường từ 2-6m3.
Những năm gần đây, ở các xã bị nhiễm mặn cao thuộc các huyện: Vũng Liêm, Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn, người dân và các tổ chức sản xuất đã sử dụng giải pháp trữ nước ngọt từ sông, rạch bằng túi nhựa dẻo (chứa 7-10m3, khối lượng 70kg), bồn nhựa (loại chứa 500-1.500 lít/bồn) và bể hay bạt trữ nước bằng công nghệ HDPE, có thể dùng những dụng cụ này để kết hợp chứa nước mưa.
Đặc biệt là bạt chống thấm công nghệ HDPE (loại mỏng) đã được các nhà vườn dùng rất nhiều để làm bể trữ nước ngọt rất hiệu quả. Bể chứa từ vài chục đến hàng trăm mét khối, được xây gần nhà hoặc tại vườn, từ đó bơm nước ngọt để tưới cho cây trồng và cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình trong suốt mùa khô, xâm nhập mặn.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin