Bạo hành gia đình (BLGĐ) đang là một vấn nạn nhức nhối của xã hội. Theo thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có 178.847 vụ BLGĐ.
Bạo hành gia đình (BLGĐ) đang là một vấn nạn nhức nhối của xã hội. Theo thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có 178.847 vụ BLGĐ.
Trong đó, BLGĐ với phụ nữ là 106.520 vụ, với trẻ em là 23.346 vụ và với người cao tuổi là 16.148 vụ. Kết quả của một cuộc điều tra xã hội học gần đây cho biết: BLGĐ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất chiếm 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần chiếm 89,4%, gây tan vỡ gia đình chiếm 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội chiếm 89%.
Những phụ nữ, người già và trẻ em phải hứng chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần mà nguyên nhân thường bắt nguồn từ những người đàn ông trong gia đình. Từ việc ghen tuông, ăn nhậu, tệ nạn xã hội và nhiều lý do vô lý khác.
Với tuổi thơ, hậu quả là hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp. Người vợ thì luôn sống trong sợ hãi, ám ảnh, bất mãn và có thể lạc lòng bất cứ lúc nào. Còn người già, lo âu, phiền muộn mãi sẽ phát sinh ra nhiều chứng bệnh.
Mặc dù ở nước ta Luật Phòng, chống BLGĐ đã có hiệu lực từ tháng 7/2008 nhưng hiện tượng bạo lực vẫn chưa thuyên giảm. Các vụ BLGĐ thường do chính quyền địa phương, cụ thể là công an, đứng ra phụ trách can thiệp. Tuy nhiên, do họ có quá nhiều việc cần giải quyết trong ngày nên khi xảy ra các vụ bạo hành, thường họ đến không kịp lúc, đôi khi là quá muộn.
Vả lại, sau khi mời đôi bên về trụ sở giải quyết, công an địa phương thường chỉ dàn xếp, giảng hòa là cho về nhà. Đối tượng bạo hành hứa năm điều mười chuyện, sẽ không tái phạm, nhưng cuối cùng mọi việc vẫn tiếp diễn. Hiếm có vụ việc bị xử theo pháp luật, trừ những vụ BLGĐ gây chấn động truyền thông.
Và như thế, phụ nữ, trẻ em, người già vẫn cứ tiếp tục bị bạo hành mà chẳng biết làm gì hơn ngoài việc chịu đựng. Được biết ở một số nước bạn (cụ thể là Mỹ, Anh, Úc…), khi có BLGĐ, cảnh sát ngay lập tức có mặt và bắt giam đối tượng bạo hành vài ngày, kèm theo vài khóa học về BLGĐ. Nếu tái phạm thì hình phạt sẽ càng nặng hơn.
Đã đến lúc ở nước ta cần có cảnh sát chống BLGĐ riêng biệt. Khi có xảy ra bạo hành, nhanh tay đến can thiệp kịp thời để tránh nạn nhân bị xâm hại thân thể hoặc xảy ra những điều đáng tiếc.
ĐẶNG TRUNG THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin