Có sẵn 80 triệu, vẫn chưa có đường mà đi

08:10, 04/10/2013

Đầu tháng 9/2013, chúng tôi nhận được phản ánh bức xúc của một số bà con ở ấp Long Khánh (xã Long Mỹ- Mang Thít) về con đường liên xóm đi qua các tổ: 1, 2, 3, 4, 5, 6: tháng 8/2013, người dân được thông báo làm đường, nên đã dỡ đan, đóng cừ tràm, nhưng chờ hoài cũng không thấy thi công.

Đầu tháng 9/2013, chúng tôi nhận được phản ánh bức xúc của một số bà con ở ấp Long Khánh (xã Long Mỹ- Mang Thít) về con đường liên xóm đi qua các tổ: 1, 2, 3, 4, 5, 6: tháng 8/2013, người dân được thông báo làm đường, nên đã dỡ đan, đóng cừ tràm, nhưng chờ hoài cũng không thấy thi công.


Trong khi chờ đợi con đường đàng hoàng, người dân ấp Long Khánh đắp lại con đường “tránh” xẻ ngang ruộng đã bị sạt lở.


Con đường chỉ dài trên 1.200m, nhưng đi qua địa hình hơi phức tạp; do có những đoạn cách sông hàng trăm mét, có đoạn nhà dân dọc 2 bên đường rất hẹp. Nhưng phần lớn là cặp sát mé sông Long Hồ, có đoạn bị sạt lở nghiêm trọng.

Bắt đầu vào mùa mưa, người dân rất khổ sở, vì vào những ngày triều cường, nước ngập tới đầu gối. Đây cũng là con đường có mấy chục học sinh hàng ngày phải qua sông đến Trường THPT Phạm Hùng (Long Hồ). Các em nhỏ thì được cha mẹ cõng ra lộ, mới đến trường được. Cảnh lầy lội, té ngã ướt nhem đến lớp cũng đã từng diễn ra.

Ông Nguyễn Văn Giỏi (64 tuổi), ở tổ 4 trình bày: “Năm rồi, họp dân có thông báo làm đường, người dân thống nhất chuyển số tiền điện của dân còn dư qua làm đường và sẵn sàng hiến đất, để có con đường đàng hoàng mà đi. Theo Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ thì sẽ khánh thành con đường vào trước Tết 2013. Trông hoài không thấy nhúc nhích gì, lại có thông báo là vào mùa khô 2013, khoảng tháng Giêng đến tháng 4 thi công. Mãi cho đến tháng 8/2013, lại kêu bà con dỡ đan lên để xáng vào thi công. Cho đến 21/9, mới cho chiếc kobe vào cạp đất sát mé sông bỏ lên, mà con đường bị ngập nước, sóng dưới sông vỗ lên, mưa ở trên xả xuống vài trận là lại cuốn trôi bùn đất xuống sông. Làm vậy thì còn khổ dân thêm. Hôm qua tôi có lại nói với chú thi công đừng đổ bùn lên nữa. Mùa mưa nước ngập đã đủ khổ rồi, đổ sình lên nữa rồi mấy đứa nhỏ đi học làm sao đây?”

Ông Giỏi cho rằng, phản ánh của người dân chỉ là muốn cùng với lãnh đạo xã, bàn bạc thống nhất làm sao chọn được cách làm, thời gian làm cho nó phù hợp, vừa có lợi cho dân, cũng vừa tốt cho địa phương mà thôi.

Cụ Nguyễn Văn An (88 tuổi), ở Tổ 5 phản ứng: “Làm gì kỳ quá vậy? Hồi qua tết trời khô ráo muốn chết, hổng chịu làm. Bây giờ mưa gió ì đùng, nước ngập tới gối vậy đó mà đổ bùn lên, biết tới đời nào mới lót đan được? Còn chuyện họp dân thì nói rằng cho xáng cạp dây múc đất ngoài xa bỏ lên, bữa nay cho chiếc kobe này vô cạp sát bờ thì có nước sạt thêm. Thêm chuyện 80 triệu đồng tiền điện còn dư đó, họp mấy lần trước còn đủ, sau còn có 70 triệu, mới đây họp thì bảo là còn 69 triệu. Đường kéo dài hoài, hổng biết tới cuối còn đủ tiền làm đường không nữa?”

Ngày 2/9, chúng tôi đã trực tiếp làm việc cùng lãnh đạo UBND xã Long Mỹ. Phó Chủ tịch UBND xã- Huỳnh Hoàng Phong, cho biết: “HTX bàn giao việc quản lý lại cho điện lực, nên còn dư ra số tiền. Huyện chủ trương chuyển số tiền dư sang làm đường giao thông nông thôn, trong đó có con đường ở ấp Long Khánh. Hôm rồi, đưa chiếc kobe vô đã bị bà con phản ánh là đúng. Nhưng thực tế thế này, trong hợp đồng có 1 chiếc xáng dây và 1 chiếc kobe, tùy theo từng đoạn mà thi công cho phù hợp. Trong tuần này, chiếc xáng cạp có hứa sẽ vào. Bà con phản ánh tiến độ thi công chậm cũng đúng. Còn lý do thi công ngay mùa mưa là để kết hợp bao đê chống lũ”. Song, cách giải thích này, cũng chưa được thuyết phục lắm.

Cũng là những cán bộ lãnh đạo trẻ vừa nhận nhiệm vụ chưa lâu, Chủ tịch UBND xã- Phạm Vũ Phương cho rằng, chính mình cũng bức xúc khi chứng kiến cảnh con đường bị ngập nặng vào mùa mưa, gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân.

Cho nên, trong các cuộc họp xã cũng đưa ra 2 phương án: Thứ nhất là thuê trọn gói, bà con đóng tiền thêm khoảng 400.000- 500.000đ. Hoặc thuê xáng cạp đổ đất lên cao 1m, ngang 2m, gói ghém trong số tiền dư đó, rồi bà con tự san lấp. Ngoài ra, vẫn còn nhiều phương án, nhiều cách làm khác. Sẽ tiếp tục lấy ý kiến từng hộ dân, thống nhất cách làm tốt nhất.

Mặc dù người dân bức xúc và cả lãnh đạo xã cũng mong muốn sớm hoàn thành công trình này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất cách làm hay có kế hoạch cụ thể về thời gian thi công, thời gian hoàn thành con đường ở ấp Long Khánh. Cho nên nếu hỏi, với số tiền 80 triệu đồng đó, liệu bà con có đường đi chưa thì chắc rằng chưa có câu trả lời rõ ràng với dân.

Cụ Nguyễn Văn An (88 tuổi), ở Tổ 5 phản ứng: “Làm gì kỳ quá vậy? Hồi qua tết trời khô ráo muốn chết, hổng chịu làm. Bây giờ mưa gió ì đùng, nước ngập tới gối vậy đó mà đổ bùn lên, biết tới đời nào mới lót đan được?


Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh