“Cò” mua lúa

07:07, 04/07/2013

Đến hẹn lại lên, mỗi khi vào mùa thu hoạch lúa thì ở nông thôn lại xuất hiện những “cò” đi mua lúa. Ngày nay, phong trào này càng trở nên phổ biến, nhất là khi người nông dân có nhu cầu bán lúa tươi (lúa ướt).

Đến hẹn lại lên, mỗi khi vào mùa thu hoạch lúa thì ở nông thôn lại xuất hiện những “cò” đi mua lúa. Ngày nay, phong trào này càng trở nên phổ biến, nhất là khi người nông dân có nhu cầu bán lúa tươi (lúa ướt).

Những tay “cò” là người dân ở địa phương được thương lái thuê làm nhiệm vụ tìm đến các chủ ruộng để hỏi thu mua lúa.

Tiền công của người làm “cò” sẽ được thương lái tính theo phần trăm. Điều dĩ nhiên, một khi “cò” ngã giá với người dân và mua được giá thấp hơn giá quy định của thương lái đưa ra thì tiền hoa hồng dành cho “cò” sẽ càng cao.

Do đó, những tay “cò” hoạt động rất tích cực, thậm chí có nơi lúa của người nông dân vừa mới chín là đã có “cò” đến dọ hỏi mua.

Đối với thương lái, khi có “cò” mua lúa thì sẽ rất tiện lợi. Trước hết là giúp họ tiết kiệm được thời gian, công sức đi thu mua. Vì nếu có “cò” thu mua thì lúa của người dân sẽ được “cò” cho tập trung và sau đó thương lái đến chở. Tiếp đến là giảm được chi phí và đôi khi gặp may mắn mua được giá thấp thì sẽ thu được nhiều lợi nhuận cho thương lái.

Điều đáng nói là trong thời gian gần đây, những tay “cò” vì lợi ích cá nhân và lợi dụng lòng tin của nông dân mà họ tìm đủ mọi cách để bà con bán lúa cho họ với giá thấp, nhất là bà con ở trong ngọn…

Cụ thể như ở xóm tôi, vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu vừa qua có 1 “cò” tổ chức đi hỏi thu mua lúa trong khắp cả xóm.

Có 2 người đồng ý bán lúa cho “cò”. Do cùng một loại giống và chất lượng hạt lúa như nhau nên cả 2 đều cứ tưởng rằng: “Người ở xóm, quen biết không, nên mua ai cũng bằng giá”. Nhưng, đến lúc phát hiện có sự chêch lệch 400 đồng/giạ giữa người này và người kia thì đã xong chuyện.

Suy cho cùng, những tay “cò” mua lúa cũng là những nông dân. Họ thừa biết rằng để có được hạt lúa thì nông dân phải bỏ ra biết bao nhiêu là chi phí và công sức. Nhưng vì lợi ích trước mắt mà họ đành phải tiếp tay cho thương lái.

Có thể có người cho rằng số tiền vài trăm đồng chênh lệch trên mỗi giạ lúa chẳng là bao nhiêu. Nhưng với số lượng nhiều thì thật là đáng kể.

Trong khi đó ở nông thôn, nông dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Tất cả những khoản chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào tiền bán lúa, từ việc cho con cái đi học, tiền sinh hoạt hàng ngày… đều phải trông chờ vào tiền bán lúa. Đối với họ, dù ít hay nhiều cũng là do công sức của họ đã bỏ ra và đáng được trân trọng.

NGUYỄN VĂN DÔ 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh