Ba tôi

07:06, 28/06/2013

Ba chưa bao giờ đặt ra cho con cái những quy ước, chuẩn mực sống, chưa bao giờ ông ngồi lại “giáo huấn” chung cho mấy anh em, cũng như chưa bao giờ nghe ông ước mơ về tương lai con cái. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ba tự đặt ra cho chính mình những nguyên tắc sống khắt khe. Cho đến giờ, ở tuổi 80 tôi chưa thấy ông vi phạm nó, dù chỉ một lần.

Ba chưa bao giờ đặt ra cho con cái những quy ước, chuẩn mực sống, chưa bao giờ ông ngồi lại “giáo huấn” chung cho mấy anh em, cũng như chưa bao giờ nghe ông ước mơ về tương lai con cái. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ba tự đặt ra cho chính mình những nguyên tắc sống khắt khe. Cho đến giờ, ở tuổi 80 tôi chưa thấy ông vi phạm nó, dù chỉ một lần.

Nhà nghèo ở nông thôn, nhưng ba rất tự hào về “kho tàng” của gia đình, đó là 2 cái tủ đầy sách thuốc bằng chữ Hán, mà đa phần là viết tay. Năm 1980, ông đã biếu không cái “kho tàng” ấy cho một người bạn ở Cần Thơ. Phải mấy chuyến xe lôi mới chở hết sách xuống đò.

Sau này lớn lên, đôi lần tôi có tỏ ra tiếc rẻ, ba chỉ kể câu chuyện ngắn như lời giải thích. Đó là tài sản của nghề thuốc mấy đời bên ông nội và bà nội, giao hết cho ông nội tôi hành nghề.

Hồi đó, nhà nghèo quá ông nội tôi phải đi qua làng này, làng kia hốt thuốc lấy tiền. Năm ông nội 70 tuổi, mới bắt đầu dạy ba tôi học thuốc, ông nói: “Dạy con 3 năm thôi, nghề thuốc không nên dùng để kiếm tiền”.

Năm 73 tuổi, ông nội tôi mất cùng năm với má tôi. Ba suy sụp hẳn. Khi cưới má sau, rồi sinh mấy đứa em, ba mới bắt đầu tự học vừa coi mạch, hốt thuốc dùm cho bà con trong xóm.

Với những bệnh “không gấp”, ba biên toa để dành lại nhiều nhiều, rồi đạp xe xuống Long Xuyên hốt thuốc cho nó “ngợi”. Sáng ăn cơm nhà, máng theo chai nước uống dọc đường. Có chuyến “cộ” về trên 20 ký lô thuốc Bắc.

Nhiều khi phải trần mình ra hì hục, xay, quết để làm thuốc tễ dùm cho người ta. Ba không dạy như thế nào là lòng nhân, nhưng con cái nhìn vào đó mà tự hiểu và noi theo.

Cũng như ba chưa bao giờ bảo: “Con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ”. Nhưng tôi còn nhớ, nhà hồi đó bao giờ cũng dọn 2 mâm cơm. Một mâm cho cả nhà, một mâm cho bà nội.

Má sau của tôi có cuốn sổ đi chợ, tiền không có cũng phải xoay làm sao có riêng những món ngon, những con cá ít xương mà bà nội ưa thích như: cá phèn, cá sửu, cá trèn bầu, cá leo, cá kết...

Còn thường thì ba với anh Hai đi “kéo bò” (như chất chà cá) dài theo mé sông, những con cá ngon nhất là để dành riêng ra. Vô bữa, bà nội hay gắp đồ ăn cho mấy đứa nhỏ, nhưng không có đứa nào… dám hưởng.

Đến mùa chuột, ba đạp xe vô đồng lớn, gài rập lồng để bắt chuột sống, về rộng trong thùng phuy, chế biến dần cho nội ăn. Ba bảo: “Món này không tốn tiền, nhưng rất nhiều chất bổ”. Cả tuần lễ chỉ có món thịt chuột, nên má phải chế biến ra rất nhiều món, trong đó nội thích nhất là món chuột kho rệu và canh chua chuột.

Từ nhỏ tôi sống với ngoại. Quê nội, quê ngoại cách nhau có 8 cây số, nhưng phải qua bến đò Vàm Nao, nên lâu lâu tôi mới đạp xe về thăm nội. Mỗi lần xin phép về thăm nội, ngoại thường hay nói với tôi: “Ba mày có thương đâu mà về thăm?”

Tôi cũng cảm nhận như vậy, có cái gì đó khá xa cách, rất khó gần, thậm chí là hơi lạnh nhạt. Nhưng tôi rất thương bà nội, bà hay ngồi ngoái trầu nói thơ, nói Nho, kể chuyện “Bách gia chư tử” và cũng chiều tôi hơn mấy anh em khác, có lẽ vì không ở chung với nội.

Cho đến đêm mùng 10 tháng Giêng năm 1986, đúng ngày giỗ lần thứ 20 của má, đó là lần đầu tiên ba ngồi nói chuyện với tôi thật nhiều.

Nhưng có câu nói của ba, mà tôi không thể nào quên: “Má con mất 20 năm rồi. Từ đó tới giờ ra đường ba hay để ý, nhưng chưa có thấy dáng người đàn bà nào mà nhìn sau lưng có vẻ hao hao giống má con”. Có lẽ đó là câu nói ngọt ngào duy nhất ba nói với tôi. Và tôi chợt hiểu ra nhiều điều, chợt giải tỏa bớt những ẩn ức trong lòng; lúc đó tôi thấy ba là người đàn ông đáng thương nhất trên đời.

Thiển nghĩ, mỗi người, mỗi gia đình có cách dạy con cái riêng. Nhưng có cách dạy mà như không dạy, không cần giáo huấn, không cần đòn roi, đó là dạy con bằng chính cuộc đời mình. Có lẽ đó cũng là cách dạy con khó nhất, nhưng nghiêm túc nhất và hiệu quả nhất. Cho đến giờ, tôi vẫn thấy mình chưa “hoàn thiện” được như ba.

QUANG THUẦN (viết nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh